Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 trong phiên họp sáng 12/5. (Ảnh: DUY LINH)
Sáng 12/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Kiểm tra, rà soát số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản
Tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp, Kiểm toán Nhà nước đề nghị xem xét, cho ý kiến đối với quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 do Chính phủ trình để báo cáo Quốc hội phê chuẩn: thu cân đối ngân sách nhà nước 2.387.906 tỷ đồng; chi cân đối ngân sách nhà nước 2.484.491 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước 214.105 tỷ đồng, bằng 2,52% GDP thực hiện.
Báo cáo nêu một số tồn tại, hạn chế cần được chấn chỉnh, như tỷ lệ giải ngân vốn ngoài nước ở một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương rất thấp, thậm chí không giải ngân; số vốn nước ngoài năm 2021 bị hủy khá lớn (hơn 20 nghìn tỷ đồng vốn ODA các bộ, địa phương đề nghị trả lại), ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay.
Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính, các khoản giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2019 trở về trước đối với nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi chưa được hạch toán vào ngân sách nhà nước là 3.465,904 tỷ đồng. Còn tình trạng một số dự án của địa phương được giao bổ sung kế hoạch vốn nhưng không giải ngân hết trong năm, phải kéo dài sang năm 2022.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2021. (Ảnh: DUY LINH)
Số liệu tổng hợp nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên Hệ thống thông tin giám sát về đầu tư công 4.465 tỷ đồng còn chênh lệch lớn so với số liệu tổng hợp từ kết quả kiểm toán tại 5 bộ, cơ quan Trung ương và 43 địa phương (23.608,9 tỷ đồng).
Về nợ công, qua kiểm toán cho thấy, trong năm 2021 có 3 khoản vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách trung ương đến hạn trả nợ nhưng phải gia hạn nợ 198.864 tỷ đồng. Một số chỉ tiêu nợ công phản ánh trên các báo cáo tại Kho bạc nhà nước và Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) còn chưa thống nhất.
Liên quan quyết toán ngân sách nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, một số đơn vị chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách về Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật Ngân sách nhà nước.
Cá biệt, trường hợp Bộ Y tế chậm gửi Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 đến 3 tháng. Bộ Tài chính chậm thẩm định, thông báo thẩm định quyết toán ngân sách năm 2021, quyết toán theo niên độ vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương của một số bộ, ngành theo quy định.
Bên cạnh đó, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước chưa làm rõ được số liệu một số khoản chi chuyển nguồn đã được HĐND các địa phương phê chuẩn, như số liệu chi chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch Covid-19 của một số địa phương đã được HĐND quyết nghị chi chuyển nguồn.
Tại báo cáo, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Trong đó, kiến nghị xử lý tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ ngân sách 2021 là 34.595 tỷ đồng (tăng thu ngân sách nhà nước 4.641,3 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 29.953,7 tỷ đồng); kiến nghị khác 37.010 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Đồng thời, chỉ đạo Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm lập, gửi Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, chậm hoàn thành việc Thông báo xét duyệt/thẩm định đối với các đơn vị trực thuộc.
Các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh trong việc đề xuất bổ sung dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài còn sai sót, chưa bảo đảm tiêu chí “đủ điều kiện, hồ sơ chứng từ đưa vào quyết toán năm 2021” dẫn đến sau khi được Quốc hội thông qua dự toán bổ sung để quyết toán nhưng một số đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.
Tăng cường kiểm tra, kiểm toán, kịp thời thu hồi số hủy dự toán
Tại báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà chỉ rõ, qua kết quả giám sát của Ủy ban và báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 chưa nghiêm, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.
Quang cảnh phiên họp sáng 12/5. (Ảnh: DUY LINH)
Đặc biệt, công tác quyết toán ngân sách nhà nước chậm đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được khắc phục. Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý, tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước không phù hợp theo quy định Luật Ngân sách nhà nước chậm được khắc phục.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 không nghiêm, không đúng quy định; làm rõ trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ,… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Về quyết toán chi ngân sách nhà nước, theo Báo cáo của Chính phủ, dự toán chi là 1.701.713 tỷ đồng; quyết toán 1.708.088 tỷ đồng, tăng 6.375 tỷ đồng (0,4%) so với dự toán. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng quyết toán chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả số chi chuyển nguồn) rất thấp là do công tác lập dự toán chi không sát, giải ngân đầu tư công thấp, chậm tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia .
Số quyết toán chi đầu tư phát triển đạt tỷ trọng rất thấp so với dự toán và số chuyển nguồn (chỉ đạt 71,6%). Còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác lập, tổ chức triển khai thực hiện dự toán, quyết toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kéo dài nhiều năm, nhưng không được xử lý dứt điểm.
Để chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế nêu trên, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị từ quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, tất cả các khoản ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương hết thời gian giải ngân, phải hủy dự toán, thu hồi về ngân sách Trung ương để cắt giảm tương ứng trong bội chi ngân sách trung ương theo đúng niên độ ngân sách, không chuyển nguồn sang năm sau.
Quốc hội không quyết toán ngân sách nhà nước đối với các khoản thu, chi ngân sách nhà nước đã phát hiện thực hiện không đúng quy định trong niên độ ngân sách nhà nước và các năm trước để tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm và thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, kiểm tra và Kiểm toán Nhà nước kiểm toán: số hủy dự toán, các khoản chi không đúng quy định, hết thời gian giải ngân từ năm 2020 trở về trước và năm 2021 chưa hoàn trả ngân sách trung ương trong năm 2021 và năm 2022. Trong năm 2023, tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm toán, kịp thời thu hồi số hủy dự toán, các khoản chi không đúng quy định, hết thời gian giải ngân.
Gửi phản hồi
In bài viết