Những ngọn cờ đầu...
Đồng chí Triệu Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Trung Minh nói rằng: “Trung Minh có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả rồi. Cái hay là những mô hình này chủ yếu do đảng viên nghĩ ra và làm trước”.
Ông Lý Văn Thân, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn là một trong những người trồng rừng đầu tiên của thôn Bản Pài. Ông chia sẻ: “Nhận thấy tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn cao, chủ yếu do người dân chưa biết khai thác tiềm năng về đất đai. Nhiều hộ có đất đồi nhưng vẫn chỉ trồng sắn, cây màu ngắn ngày. Tôi đã tiên phong mua keo giống về trồng trên 3 ha đất đồi. Sau một thời gian thu về được hàng chục triệu đồng. Nhận thấy lợi ích kinh tế từ trồng rừng, tôi đã hướng dẫn các đảng viên trong chi bộ và quần chúng nhân dân trong thôn làm theo. Hiện nay, ông Thân có gần 6 ha rừng”.
Nhờ đó, từ 3 ha rừng năm 2007, Bản Pài hiện có trên 100 ha rừng sản xuất mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Nhiều hộ dân có diện tích trồng rừng hiệu quả như: Lý Văn Đại có 5 ha rừng keo, Bàn Văn Học có 6 ha...
Tại thôn Vàng On, Bí thư Chi bộ Giàng Seo Mua cũng là “ngọn cờ đầu” trong phát triển kinh tế rừng. Anh Mua chia sẻ, ban đầu bà con còn hoài nghi lắm vì trồng ngô, trồng sắn thì có cái ăn ngay còn trồng keo thì biết đến bao giờ. Là đảng viên trẻ, anh Mua trăn trở tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Anh nghĩ rằng mình không làm trước, làm mới thì không biết đến bao giờ bản làng mới khá lên được. Do đó, anh mạnh dạn học hỏi mô hình kinh tế của các hộ dân xã Trung Sơn. Anh tiên phong trồng 2 ha, rồi 4 ha keo. Thời gian đầu anh linh hoạt trồng xen canh cây ngắn ngày như ngô, dần dà đến kỳ khai thác anh lại trồng gối vụ đợt keo mới. Hiện nay, đồi keo của anh đã sang chu kỳ thứ hai được 4 năm. Trung bình thu nhập từ rừng của gia đình anh đạt hơn 100 triệu đồng/năm.
Các đảng viên và người dân thôn Vàng On, xã Trung Minh (Yên Sơn) tích cực tham gia làm đường bê tông nông thôn.
Khi bà con thấy được nguồn lợi lâu dài thì việc vận động trồng rừng cũng không còn khó nữa. Hiện nay, diện tích trồng rừng của thôn dẫn đầu toàn xã với gần 200 ha. Ông Giàng Seo Trinh hiện có 5 ha rừng. Ông chia sẻ, nhờ rừng mà gia đình ông thoát nghèo năm 2019. Vợ chồng ông cũng đầu tư phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo và lợn rừng, kinh tế gia đình từng bước ổn định. Ông đã xây được nhà và mua sắm đầy đủ trang thiết bị, phương tiện đi lại.
Thôn Khuôn Nà có trên 20 hộ kinh tế khá, trong đó đa phần là những hộ đảng viên. Đảng viên Lý Văn Hiệp là một trong những hộ đi đầu trong phát triển kinh tế của thôn khi mạnh dạn mang mô hình vườn cây ăn quả về với bản làng. Anh chia sẻ, để có được mô hình như hiện nay bên cạnh quyết tâm làm kinh tế theo hướng “đi ngược lại, làm khác đi” thì anh còn mạnh dạn bỏ tiền mở cả một tuyến đường dài tới gần 2 km.
“Quả ngọt” thực sự đã đến khi anh Hiệp đã thành công đưa mô hình cây có múi về bản Khuôn Nà, xóa bỏ ý nghĩ bao năm nay của bà con là đất này chỉ bén duyên với ngô, sắn. Bên cạnh đó, anh Hiệp biết kết hợp mô hình kinh tế tổng hợp từ vườn cam, trồng rừng, chăn nuôi gà, mang lại thu nhập 200 triệu đồng/năm.
Sức lan tỏa…
Đồng chí Triệu Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Trung Minh cho biết, trong học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trước hết Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, duy trì nền nếp sinh hoạt, chủ động đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt gắn với thực tiễn tại cơ sở. 100% chi bộ và đảng viên xây dựng kế hoạch cá nhân bằng việc làm cụ thể, thiết thực theo nhiệm vụ được phân công.
Từ học tập và làm theo Bác, xã Trung Minh đã lan tỏa nhiều điển hình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiêu biểu như Chi bộ thôn Bản Pài năm 2021 đăng ký nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là tập trung phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Để thực hiện tốt, chi bộ đã gắn trách nhiệm tới từng đảng viên, chú trọng thực hiện triển khai phân công đảng viên phụ trách, giúp đỡ, vận động hộ gia đình phát triển kinh tế.
Chi bộ phân công cho các đảng viên thực hiện nêu gương đi đầu trong thực hiện các mô hình kinh tế, đồng thời phụ trách vận động các nhóm hộ tham gia. Từ đó, nhiều đảng viên trong thôn đã đi đầu trong triển khai thực hiện các mô hình kinh tế. Bí thư Chi bộ Lý Tuấn Ngọc chia sẻ, bên cạnh cây trồng truyền thống là lúa, cây ngô, chi bộ vận động nhân dân trồng cây lương thực, cây màu, cây ăn quả các loại. Hiện nay, toàn thôn có 20 ha lúa, 14,4 ha ngô và 8,3 ha mía, bưởi và rau màu. Sản lượng lương thực đạt 125 tấn/năm; bình quân lương thực đạt 850 -900 kg/người/năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Nhờ đó giai đoạn 2016 -2021, thôn giảm được 17 hộ nghèo, thôn hiện còn 3 hộ nghèo.
Chi bộ thôn Vàng On đăng ký việc đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05 bằng việc kiến thiết hạ tầng của thôn. Đồng chí Giàng Seo Mua, Bí thư Chi bộ thôn chia sẻ, Vàng On là thôn đặc biệt khó khăn của xã Trung Minh, đường giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đường đất lầy lội trong mùa mưa. Các đồng chí đảng viên tiên phong góp 200 triệu đồng/người, ngoài ra còn đóng góp ngày công và huy động người dân tích cực tham gia làm đường. Hiện nay, toàn thôn có 800 m đường bê tông nông thôn. Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2023, thôn tiếp tục làm 300 m đường bê tông, phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con.
Việc học tập và làm theo Bác Hồ gắn với các phong trào thi đua yêu nước đã phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực của đời sống trên địa bàn xã. Đảng ủy xã chú trọng thực hiện việc đột phá vào những giải pháp về kinh tế - xã hội, vì vậy đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 22 triệu đồng/năm. Toàn xã có 8/8 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”.
Gửi phản hồi
In bài viết