Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lĩnh vực thông tin, truyền thông có vị trí quan trọng và ngày càng quan trọng, cần thiết hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đang diễn ra mạnh mẽ; nêu rõ, truyền thông là lĩnh vực truyền cảm hứng cho đổi mới sáng tạo cho Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thủ tướng khẳng định, năm 2022, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã đạt nhiều thành tựu quan trọng: đạt 14/15 chỉ tiêu đã đề ra, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn được bảo đảm; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, công tác đối ngoại được đẩy mạnh; cuộc sống của nhân dân được cải thiện… Có được thành tựu quan trọng như vậy là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân và doanh nghiệp, trong đó có sự đóng góp của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng chúc mừng thành tích mà Bộ Thông tin và Truyền thông đạt được trong năm 2022, hy vọng năm 2023, thành tích này sẽ lớn hơn, hiệu quả hơn.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nêu một số hạn chế, để từ đó Bộ nhận thức rõ và có phương hướng khắc phục.
Đề cập phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng đề nghị phải xác định có nhiều khó khăn, thách thức hơn thời cơ, thuận lợi, để từ đó Bộ xác định phải rất chủ động, tích cực, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Về chuyển đổi số, Thủ tướng nêu rõ, đây là vấn đề được thế giới hết sức quan tâm, đề cập đến rất nhiều cùng vấn đề biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, lợi ích của người dân… Chuyển đổi số đang làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm…, do đó, chúng ta phải nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực này. Đổi mới sáng tạo thì phải phát triển hạ tầng, có con người và phải kết nối; kết nối phải đổi mới sáng tạo và do con người, phải tập trung vào chuyển đổi số. Thủ tướng đề nghị phải chung tay phát triển chuyển đổi số lành mạnh, an toàn, bình đẳng, người dân được tiếp cận chuyển đổi số một cách thực sự.
Thủ tướng yêu cầu các nhiệm vụ giải pháp của Bộ phải ra hiệu quả, phải “kiểm đếm được, ra sản phẩm cụ thể”; mong Bộ với các thành tựu đạt được năm 2022, kế thừa và phát huy các chương trình sát thực tế, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nguồn lực của Bộ; trong quá trình làm chắc chắn có nhiều khó khăn, thách thức nhưng phải nỗ lực vượt qua; với tình hình thay đổi thì tư duy phương pháp luận cũng phải thay đổi.
Thủ tướng đánh giá các nhiệm vụ đề ra của Bộ “đúng, trúng” nhưng mong Bộ thực hiện thật tốt; điều quan trọng là phải phản ứng chính sách kịp thời và hiệu quả. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong đó có thể chế về công tác truyền thông, chuyển đổi số, liên quan vấn đề công nghệ, quản lý nhà nước, truyền thông và phát triển khoa học công nghệ; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; không được điều hành “giật cục”. Cuộc sống bao giờ cũng đi trước, trong khi tổng kết lý luận đi sau thực tiễn; nhưng chúng ta phải làm thật nhanh; tránh tình trạng thiên lệch về một mặt nào đó. Truyền thông phải đi đầu chứ không đi theo; phải là một trong những động lực truyền cảm hứng cho đổi mới, sáng tạo để phát triển đất nước.
Thủ tướng đề nghị phấn đấu phủ sóng viễn thông toàn diện, bao trùm đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để mọi người dân được hưởng thụ dịch vụ viễn thông; giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lo việc này, “điện đi đến đâu, viễn thông đi đến đó”, cố gắng ở đâu cũng có điện, ở đâu cũng có viễn thông, đưa điện và dịch vụ viễn thông đến mọi miền Tổ quốc.
Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, không nên hiểu đây là cơ sở dữ liệu chỉ riêng của Bộ Công an, phải coi đây là tài nguyên đặc biệt, cần phải lưu trữ, chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách an toàn, bảo mật, khoa học, hiệu quả, tạo nên các giá trị gia tăng, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia, tôn trọng quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; Thủ tướng hoan nghênh Bộ lấy năm 2023 là Năm Dữ liệu quốc gia; phải làm bằng được, nhất là dữ liệu đất đai phải hoàn thành; Bộ Xây dựng cùng Bộ Công an xây dựng dữ liệu về nhà ở, từ đó giảm thời gian thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp với tinh thần “đúng, đủ, sạch, sống”, phải cập nhật liên tục, tức là lại quay lại vấn đề phải có hạ tầng, có con người, có kết nối trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, trong đó lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn đầu tư xã hội; đặt trọng tâm phát triển hạ tầng số năm 2023 là thương mại hóa mạng 5G, tạo ra những thay đổi về kết nối, để hạ tầng thông tin liên lạc trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế; phát triển bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, của nền kinh tế số.
Tập trung thúc đẩy kinh tế số, trọng tâm là phát triển kinh tế số nền tảng để phục vụ người dân và doanh nghiệp, kinh tế số ngành là chiến lược, lâu dài để phát triển toàn diện, bền vững; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của người dân làm từ nhà, tỷ lệ người dân cài đặt các nền tảng số Việt Nam; có Chính phủ số phải có công dân số; phát triển dịch vụ số đi sâu đến tận vùng sâu, vùng xa, làm cho người dân sử dụng nền tảng số trở thành việc thường ngày; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của người dân; thúc đẩy thương mại điện tử, phấn đấu tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong nước và vươn ra thế giới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành thông tin và truyền thông.
Tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng; nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, phổ cập kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, tạo lập niềm tin số trên môi trường mạng, thúc đẩy người dân sử dụng các nền tảng số Việt Nam. Muốn vậy phải hoàn thiện hệ thống điện và viễn thông. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, bảo đảm tính thượng tôn pháp luật của Việt Nam. Về lâu dài cần phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip. Về điểm này cần phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của con người Việt Nam.
Ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, sai sự thật, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội; xây dựng cơ chế, chế tài xử lý các thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước; hoạt động lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, lừa đảo, đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Chúng ta phải đấu tranh trên tinh thần lợi ích hài hòa, bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước; tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Chú trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; xây dựng cơ quan hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới; luôn luôn đổi mới sáng tạo kịp thời, hiệu quả; chăm lo đời sống cán bộ, công chức và người lao động phù hợp quy định và hoàn cảnh.
* Tại hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Năm 2022, doanh thu ngành Thông tin và Truyền thông tăng 12,7%
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục. Các chính sách hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt và hiệu quả. Khu vực sản xuất trong nước, các thị trường đối tác lớn của Việt Nam phục hồi, tăng trưởng; các doanh nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, đa dạng hóa toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ “vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả”. Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tiếp nối các thành tích đã đạt được, năm 2022, ngành thông tin và truyền thông tiếp tục nỗ lực phấn đấu và đã đạt thêm nhiều kết quả quan trọng: công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành thông tin và truyền thông chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ. Công tác báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị
Năm 2022, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so năm 2021 và gấp 1,5 lần so dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 98.982,3 tỷ đồng, tăng 24,7% so năm 2021; tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so năm 2021; năng suất lao động ngành thông tin và truyền thông (tính theo đóng góp vào GDP) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7% so năm 2021.
Lĩnh vực bưu chính: Sản lượng bưu gửi tăng 38%; Doanh thu dịch vụ bưu chính tăng 16%; đóng góp vào GDP của lĩnh vực bưu chính tăng 16%; Số lượng doanh nghiệp bưu chính tăng 12%, so với năm 2021. Lĩnh vực viễn thông: điểm nổi bật là ngày 9/11/2022, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, thúc đẩy việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số.
Một nhiệm vụ lớn ngành viễn thông đã hoàn thành trong năm 2022 là các doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành phủ sóng cho 2.152/2.418 điểm lõm sóng là các thôn, bản trên toàn quốc. Như vậy, tỷ lệ thôn đã có sóng trên toàn quốc đạt 99,73%. Năm 2022, doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so năm 2021; lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so năm 2021; thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone ước đạt 75,80%, tăng 1,4% so năm 2021.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Lĩnh vực Chuyển đổi số quốc gia và Chính phủ số: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày 10/10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022. Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và triển khai Nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn (Nền tảng OneTouch), đã triển khai bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương; thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, phổ cập kỹ năng số cho người dân.
Quang cảnh Hội nghị.
Lĩnh vực an toàn thông tin mạng: trong 11 tháng đầu năm 2022, đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.328 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.342 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,33 triệu người dân (tương ứng 6,8% người dùng internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng
Lĩnh vực kinh tế số và xã hội số: Đóng góp của kinh tế số cho GDP năm 2022 ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%, trong đó, kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,18%.
Lĩnh vực công nghiệp ICT: doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022; đóng góp vào GDP của lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 34.336 triệu USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.
Quang cảnh Hội nghị.
Lĩnh vực báo chí, truyền thông: công tác báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố bộ tiêu chí nhận diện và quyết liệt chấn chỉnh, xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí. Công tác xử lý vi phạm chuyển hướng sang xem xét, xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan báo chí. Buộc các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới tuân thủ, rà soát, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc đạt hơn 90% yêu cầu của Nhà nước Việt Nam.
Lĩnh vực xuất bản: Doanh thu lĩnh vực xuất bản, in, phát hành ước đạt năm 2022 là 96.433 tỷ đồng tăng trưởng 5% so với năm 2021. Số đầu xuất bản phẩm in năm 2022 ước đạt 39.700, tăng nhẹ so với năm 2021. Số đầu xuất bản phẩm điện tử ước đạt 3.200 tăng 59% so với năm 2021.
Với những thành tích đạt được xuyên suốt trong thời gian qua và trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Năm 2023 tới sẽ là năm về dữ liệu
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2023 tới sẽ là năm về dữ liệu, tập trung công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu các bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ và an toàn dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai các công tác để tạo ra sự thay đổi cơ bản về dữ liệu Việt Nam vì tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu chính là thay đổi căn bản của chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tập trung triển khai các chiến lược được ban hành, xây dựng các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược…, hạn chế việc chiến lược làm ra sẽ chỉ “nằm trong ngăn kéo”.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung vào các kết quả thực chất: Về bưu chính, sẽ đo lường và kiểm soát chất lượng dịch vụ; về viễn thông sẽ giải quyết triệt để sim rác và thương mại hoá 5G; về dịch vụ công trực tuyến sẽ nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự được xử lý trực tuyến; về chuyển đổi số sẽ nâng số lượng tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam lên ít nhất 50%; về công nghiệp công nghệ số là xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo ra sự cộng hưởng trong nước và lan ra nước ngoài; về báo chí xuất bản và truyền thông là sự tuân thủ luật pháp Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, giải quyết các vấn đề tư nhân hóa báo chí hay báo hoá trang tin, mạng xã hội.
Năm 2023, sau ba năm Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi”. “10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số và nhất là từ gia công phần mềm sang “Make in Việt Nam”.
Ngành thông tin và truyền thông luôn tạo ra những thách thức mới cho chính mình để từ đó vươn lên và cũng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó. Nhiệm vụ khó khăn, thách thức lớn luôn tạo ra sự phát triển mới. Với tinh thần chiến binh, chúng tôi xin nhận mọi nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Gửi phản hồi
In bài viết