Những công trình ý Đảng, lòng dân
Về Thái Hòa hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ của một vùng quê qua những những tuyến đường bê tông sạch đẹp, rộng rãi, trải dài. Trong đó, có những đoạn đường do chính người dân tự nguyện hiến đất, góp công để xây dựng. Những tuyến đường được xây dựng từ sự đồng lòng của nhân dân như nối dài thêm niềm vui, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.
Người dân thôn Cây Cóc, xã Thái Hòa (Hàm Yên) thu hái chè chất lượng cao.
Tuyến đường dẫn vào thôn Ninh Tuyên hôm nay đã trở nên khang trang và sạch đẹp. Hai bên đường là những hàng hoa đua nhau khoe sắc thắm. Trước đây, con đường này vốn nhỏ hẹp, lầy lội vào ngày mưa, bụi mù vào ngày nắng khiến cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, Chi bộ thôn đã lãnh đạo các đảng viên, hội viên, đoàn viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, hiến đất làm đường do nhiều đoạn phải nắn tuyến, mở rộng.
Thấy rõ được những lợi ích lâu dài khi đường mở rộng, 19 hộ dân có đường bê tông đi qua đã tình nguyện hiến trên 4.200 m2 đất lúa và đất màu. Điển hình như đảng viên Dương Công Thực hiến 400 m2 đất màu để thôn làm đường. Nhờ đó, con đường dài hơn 1.800m, rộng 3,5 m đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuyến đường được người dân trồng hoa hai bên đường, hàng tuần cùng nhau vệ sinh sạch đẹp. Hiện tuyến đường đã trở thành tuyến đường mẫu của xã.
Đảng viên Dương Công Thực tiên phong hiến 400 m2 đất của gia đình để phục vụ mở rộng tuyến đường. Anh Thực chia sẻ, nhà anh sẽ bớt đi một khoản thu nhập vì đã hiến đi một phần đất vườn, cùng chặt hạ nhiều cây gỗ lâu năm. Nhưng nghĩ đến có con đường bê tông đi lại, người dân cùng con cháu mình được hưởng lợi, có chỗ đi lại thuận tiện, ô tô, xe máy đến tận nhà thu mua nông sản, cuộc sống sẽ đổi thay từ đấy.
Một trong những công trình mang ý nghĩa thiết thực, góp phần làm thay đổi diện mạo xã Thái Hòa đó chính là việc xây dựng thành công công trình “Thắp sáng đường quê”. Công trình được Đảng ủy xã Thái Hòa huy động toàn bộ sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị xã và quần chúng nhân dân trong việc thực hiện công trình. Từ năm 2017 đến nay, xã Thái Hòa đã hoàn thành 59 tuyến đường thắp sáng đường quê với hơn 52 km đường thôn và các trục chính vào ngõ, xóm.
Tuyến đường kiểu mẫu thôn Ninh Tuyên, xã Thái Hòa (Hàm Yên).
Thôn Cây Vải có tuyến đường Thắp sáng đường quê dài nhất xã. Bí thư Chi bộ thôn Cây Vải Đinh Trọng Hùng cho biết, nhận thấy lợi ích từ việc thắp sáng đường làng, ngõ xóm, từ năm 2017 đến năm 2021, thôn đã vận động người dân đóng góp hơn 75 triệu đồng để lắp đặt hơn 5.600 m đường điện thắp sáng. Quá trình triển khai, người dân chủ động thi công lắp đặt, tự quản lý vận hành. Từ ngày ánh điện về tới đường quê, diện mạo nông thôn đổi mới rõ rệt. Công tác an ninh trật tự trong thôn xóm dần đi vào nền nếp. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của người dân được hưởng ứng, nhân rộng.
Ông Nguyễn Xuân Nghiêm, 72 tuổi, thôn Cây Vải phấn khởi cho biết, trước đây có việc đi vào buổi tối phải dùng đèn pin soi sáng thì nay điện thắp sáng cả đoạn đường dài, giờ đi đâu, làm gì cũng thuận tiện, các công việc đột xuất, phát sinh cũng giải quyết dễ dàng hơn. Các cháu học sinh đi học về tối cũng không còn lo lắng, phụ huynh an tâm hơn. Nhiều người còn rủ nhau đi bộ, đạp xe thể dục trên đường buổi tối để rèn luyện sức khỏe, tình làng nghĩa xóm cứ thế thêm gắn kết.
Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng cho thu nhập cao của gia đình đảng viên Phạm Văn Lập, thôn Bình Thuận, xã Thái Hòa (Hàm Yên).
Chăm lo đời sống nhân dân
Đảng bộ xã Thái Hòa có 385 đảng viên sinh hoạt ở 26 chi bộ trực thuộc. Đồng chí Quách Thị Minh Nguyệt, Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa cho biết, không chỉ chung tay góp sức làm nên những con đường mới, sáng - xanh - sạch - đẹp mà sự đồng lòng giữa Đảng và dân còn thể hiện ở sự sẻ chia, giúp nhau trong cuộc sống. Mỗi cán bộ, đảng viên đều được giao phụ trách, nắm bắt cuộc sống của người dân; thường xuyên thăm hỏi lấy ý kiến của người dân để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng giàu mạnh. Đồng thời, tập thể lãnh đạo, các chi bộ, cá nhân đều đăng ký nhiệm vụ đột phá để đưa vào chương trình công tác. Trong đó, chú trọng những phần việc gắn với thực tế, nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Tiêu biểu như Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cây Cóc Đặng Văn Trung đã đăng ký việc làm đột phá xây dựng thương hiệu chè sạch trong giai đoạn 2020 - 2025. Anh Trung cho biết, hiện thôn có 21ha chè. Để hoàn thành nhiệm vụ đột phá, trong năm 2021, anh cùng chi ủy và các đảng viên của chi bộ đã vận động người dân chuyển đổi 6,5 ha chè già cỗi sang chè cành. Năm 2022, phấn đấu chuyển đổi 3 ha chè già cỗi còn lại chuyển sang chè cành chất lượng cao; xây dựng các mô hình chè VietGAP để tiến tới thành lập Hợp tác xã chè VietGAP. Ngoài ra, anh cùng chi bộ vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, thôn chỉ còn 5/102 hộ nghèo. Nhiều hộ có thu nhập cao từ trồng chè, trồng bưởi, chăn nuôi lợn như hộ anh Phạm Hoàng Nga thu nhập 500 triệu/năm, anh Đỗ Xuân Hòa thu nhập trên 300 triệu/năm...
Gửi phản hồi
In bài viết