Trong tuần qua, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trên thế giới tăng mạnh so với mức đầu tháng 2, nhất là các nước tại châu Âu. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do sự lây lan nhanh chóng của các biến chủng Covid-19 mới. Chính vì vậy, nhiều quốc gia chuẩn bị áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm đối phó với làn sóng dịch Covid-19 mới.
Ảnh minh họa: Reuters
Tại châu Âu, Đức, Italy, Ba Lan và Hungary là những nước ghi nhận ca mắc tăng rất mạnh, trong khi Cộng hòa Séc và Slovakia báo cáo tỉ lệ tử vong thuộc hàng cao nhất thế giới. Các chuyên gia nhận định đợt bùng phát mới xuất phát từ hai nguyên nhân: Sự xuất hiện của các biến thể virus mới và việc châu Âu nới lỏng các biện pháp an toàn quá sớm.
Tình hình dịch Covid-19 có chiều hướng diễn biến xấu buộc Thủ tướng Italy Mario Draghi phải ban bố lệnh phong tỏa phần lớn cả nước trong dịp lễ Phục sinh sắp tới (4/4).
"Hơn một năm sau ngày nổ ra cuộc khủng hoảng sức khỏe, không may là chúng ta đang đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới. Những ký ức về tình hình dịch bệnh vào mùa Xuân năm ngoái vẫn còn nguyên trong tâm trí chúng ta và chúng tôi sẽ làm mọi cách để ngăn chúng tái diễn. Trên cơ sở các bằng chứng khoa học, chính phủ đã áp dụng các biện pháp hạn chế mà chúng tôi đánh giá là phù hợp và tương xứng”.
Theo đó, kể từ hôm nay (15/3), nhiều khu vực ở Italy sẽ bị đặt dưới lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn. Người dân chỉ được ra khỏi nhà khi thật cần thiết, trong khi hầu hết cửa hàng phải đóng cửa, bao gồm những nơi dễ tụ tập đông người như nhà hàng, quán bar...
Bức tranh ảm đạm cũng tương tự tại Đức và Pháp buộc Tổng thống Pháp Macron ban lệnh giới nghiêm và các biện pháp hạn chế xã hội ở vài khu vực. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ vẫn đang gây áp lực kêu gọi ông phải phong tỏa trên toàn quốc vì tình hình đang rất nguy cấp. Trong khi đó, Cơ quan phòng ngừa dịch bệnh Đức thừa nhận nền kinh tế hàng đầu EU đang bị tấn công bởi làn sóng dịch thứ ba.
Một số quốc gia như Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc cũng dự định áp thêm các biện pháp cứng rắn hơn trong tuần này khi các quan chức y tế cảnh báo mọi thứ sẽ còn tệ hơn trong những tuần sắp tới.
Trước sự bùng phát dịch bệnh tại châu Âu, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa kết thúc và Mỹ có thể đi theo vết xe đổ của châu Âu nếu chủ quan đã có vaccine. Ông Fauci nhận định, đợt bùng phát dịch lần này ở châu Âu một phần do việc nới lỏng các biện pháp an toàn quá sớm.
"Một khi bạn tuyên bố chiến thắng khi bóng chưa lăn qua vạch vôi vào lưới thì chưa ai công nhận chiến thắng đó của bạn. Điều này giống như khi thấy dịch có dấu hiệu chững lại đã tuyên bố hết dịch, thì nó luôn có thể tăng vọt bất cứ lúc nào. Rất tiếc đó chính xác là điều đang xảy ra ở châu Âu”.
Những gì đang diễn ra tại châu Âu và Mỹ cũng đang xảy đến một số quốc gia tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát và có xu hướng lan rộng trong thời gian gần đây.
Chính vì vậy, bất chấp số người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 ngày càng tăng, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng, thế giới cần tiếp tục đề cao cảnh giác về những diễn biến khó lường của dịch bệnh, chưa kể đến thực trạng chênh lệnh về sự tiếp cận vaccine giữa các nước giàu và các nước nghèo vẫn chưa được cải thiện, trong khi sự an toàn chỉ đạt được nếu như đó là điều dành cho tất cả mọi người./.
Gửi phản hồi
In bài viết