Theo đó, Intel đã chính thức nổ phát súng hiệu cho kỷ nguyên máy tính trí tuệ nhân tạo "AI PC" với Core Ultra. Ban đầu mới chỉ có trên máy tính xách tay, các bộ xử lý mới (tên mã Meteor Lake”) là những sản phẩm bán dẫn đầu tiên của Intel tích hợp lõi xử lý chuyên biệt để tăng tốc các tác vụ AI (NPU).
Các bộ xử lý Intel Core Ultra mới.
Động thái của Intel diễn ra chỉ một tuần sau khi đối thủ chính AMD tiết lộ phần cứng Ryzen 8040 cũng bao gồm lõi xử lý riêng cho AI. Intel tuyên bố, các chip Core Ultra sử dụng năng lượng ít hơn tới 79% so với thế hệ Ryzen 7840U trước đó của AMD khi chạy không tải trong Windows, đồng thời, nhanh hơn tới 11% trong các tác vụ đa luồng.
Về cơ cấu danh mục, các bộ xử lý Core Ultra trình làng với Ultra 7 165H ở phân khúc cao cấp, cung cấp 16 lõi/22 luồng (lõi 6P, 8 lõi E và 2 lõi E năng lượng thấp và tần số Max Turbo 5GHz. Core Ultra 9 185H mạnh mẽ hơn dự kiến ra mắt vào quý đầu tiên của năm 2024 với tốc độ có thể chạm tới 5.1GHz; lõi đồ họa (GPU) nhanh hơn một chút và mức tiêu thụ năng lượng cao hơn (45 watt, so với mức 28 watt của Ultra 7). Như thường lệ, Intel cũng sẽ có một loạt chip mã hiệu "U" với công suất thấp hơn cho các máy tính siêu mỏng nhẹ.
Mặc dù, Core Ultra không phải ưu tiên cho các loại máy tính xách tay chơi game cao cấp, nhưng việc bổ sung đồ họa Intel Arc được giới chuyên môn nhận định có thể phần nào giải quyết “cơn khát” này, cho phép các máy tính xách tay với Core Ultra đạt hiệu năng đồ họa ít nhất là ngang bằng với chip 7000 series của AMD. Intel cho biết, Ultra 7 165H có thể chơi tựa game Baldur's Gate 3 nhanh gấp đôi Core i7 1370P ở 1080p với cài đặt đồ họa trung bình và nó có thể xử lý Resident Evil Village nhanh hơn 95% so với chip Intel đời cũ hơn.
Đối với các tác vụ AI, Core Ultra có thể đạt tới 34 TeraOPS khi kết hợp hiệu suất của cả NPU, GPU và CPU. Tuy nhiên, ngay cả những người dùng không hằng ngày làm việc với ứng dụng chuyên về AI cũng có thể được hưởng lợi lớn từ NPU. Lõi xử lý này sẽ cho phép kích hoạt các tính năng như Studio Effects của Windows 11, có thể làm mờ nền và cải thiện ánh sáng trong nội dung video hay các cuộc đàm thoại trực tuyến qua những ứng dụng như Zoom mà không làm ảnh hưởng nhiều đến thời lượng pin…
Đón đầu làn sóng mới, hàng loạt các tên tuổi lớn trong lĩnh vực máy tính xách tay đã có sản phẩm hoàn thiện với Core Ultra tung ra thị trường. Trong nhóm “tiên phong”, nổi bật là Lenovo với ThinkPad X1 Carbon Gen 12/X1 Yoga Gen9, IdeaPad Pro 5i; Acer với Predator Triton Neo 16; Samsung với Galaxy Book 4 Ultra…
Tuy nhiên, hầu hết các mẫu máy nhóm này đều có giá khá cao, đơn cử như Samsung Galaxy Book 4 Ultra với cấu hình gồm vi xử lý Core Ultra 9, RAM LPDDR5x 64GB, ổ SSD NVME 2TB và đồ họa RTX 4070 có giá khởi điểm tương đương từ khoảng hơn 60 triệu đồng tại quê nhà Hàn Quốc. Biến thể cao cấp nhất của máy này có giá tới 95 triệu đồng.
Dĩ nhiên, làn sóng máy tính cá nhân AI chưa dừng lại ở đây. Hệ điều hành Microsoft Windows 12, có thời điểm phát hành dự kiến vào tháng 6-2023, được cho là sẽ "thổi bùng" ngọn lửa trào lưu mới. Đây sẽ là hệ điều hành máy tính cá nhân đầu tiên tối ưu hóa hoàn toàn cho phần cứng AI. Dù điều này được trông đợi với mong muốn về những tính năng "cách mạng" trong lĩnh vực điện toán cá nhân, nhưng cũng không ít người lo ngại bởi "cuộc cách mạng AI" có thể tạo ra những áp lực chi phí đầu tư nâng cấp khổng lồ.
Gửi phản hồi
In bài viết