Để mở rộng đối tượng tham gia, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; mở rộng, đào tạo, phát triển hệ thống đại lý thu BHXH đến tận phường, xã, thôn, bản; giao chỉ tiêu đến từng đơn vị, cá nhân. Mọi thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến hết tháng 6-2021, toàn tỉnh đã thu được trên 34 tỷ đồng với trên 15 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện.
Cán bộ BHXH tỉnh tập huấn công tác tuyên truyền cho các nhóm, các đại lý thu BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố.
Là đại lý thu của BHXH huyện Lâm Bình, mỗi khi nắm bắt được thông tin người dân có nhu cầu, chị Ma Thị Ninh, nhân viên điểm thu BHXH huyện Lâm Bình lại thu xếp thời gian đến gặp gỡ, tuyên truyền, giúp bà con hiểu lợi ích của việc tự nguyện tham gia BHXH. Với những trường hợp khó tiếp cận, chị thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu” để vận động.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thạch, thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang (Lâm Bình) đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Chị Thạch cho biết: Thấy được lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện nên chị đã đăng ký tham gia. Hàng tháng, chị dành ra gần 300.000 đồng để đóng. Đây là khoản tiết kiệm khi về già, chị không phải phụ thuộc vào con cái. Bên cạnh đó, chị cũng thường xuyên vận động những người làm nông, lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện, để sau này cũng được hưởng chế độ lương hưu.
Anh Nguyễn Văn Học, tổ 7, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) làm nghề buôn bán. Được nhân viên BHXH thành phố đến tận nhà tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện để khi hết tuổi lao động có lương hưu, anh Học đã chủ động đăng ký tham gia. Thấy nhiều lợi ích từ BHXH tự nguyện mang lại, anh mua thêm cả cho vợ mình. Anh Học chia sẻ: Cả 2 vợ chồng anh là lao động tự do nên thu nhập lúc được lúc không, do vậy nếu không chuẩn bị cho mình một nguồn thu nhập nhất định thì khi về già sẽ trở thành gánh nặng cho con cái và xã hội. Do đó, anh đã tiết kiệm từ nguồn thu hàng tháng để đóng BHXH tự nguyện cho 2 vợ chồng, sau này không chỉ có lương hưu mà còn có thẻ BHYT khi đi khám bệnh.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, kéo dài nên phần nào cũng đã gây ra không ít khó khăn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, đòi hỏi ngành BHXH phải tìm những giải pháp thích hợp nhằm giữ được nhịp độ phát triển, bảo đảm hoàn thành kế hoạch được giao. Đồng chí Bùi Lưu Thành, Giám đốc BHXH huyện Na Hang cho biết, trong bối cảnh như hiện nay, chúng tôi đã thay đổi biện pháp tuyên truyền để phù hợp với tình hình. Hình thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà” là giải pháp chính để đơn vị vừa phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Để thực hiện được nhiệm vụ này, ngành dựa vào các đại lý thu BHXH, cùng cán bộ chia thành từng nhóm nhỏ đi từng thôn, xóm, tổ dân phố, từng nhà để tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn để đối tượng tham gia hiểu được chế độ, quyền lợi được hưởng khi tham gia.
Mỗi tháng bỏ ra một khoản tiết kiệm đóng bảo hiểm, đủ thời gian, những người lao động tự do, không có thu nhập ổn định sẽ được hưởng lương hưu cũng như chế độ bảo hiểm theo quy định. Điều này giúp người dân có cuộc sống tốt hơn khi về già, giảm áp lực cho các chính sách an sinh xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết