Một buổi sinh hoạt tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh (Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh).
Những cách làm hay
Vào những ngày tháng 5 lịch sử, nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được nhiều cơ quan, đơn vị khánh thành ở thành phố mang tên Bác.
Trong đó, ngày 16-5 vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh và Triển lãm ảnh “Lời Bác dạy soi đường chúng ta đi” tại trụ sở hội. Trước đó một ngày, Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Công Thương tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở cơ quan. Quận 11 cũng đã tổ chức lễ ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở UBND quận vào ngày 15-5.
Tại quận 4, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ðến nay, quận 4 đã có hơn 80 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Nổi bật là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trung tâm hành chính quận 4 được thiết kế, bố trí ở tầng 1 và tầng 9. Tại đây, người dân có thể quét mã QR để tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, tham quan Phòng truyền thống quận 4, truy cập 10 ca khúc chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và những thước phim tư liệu về Bác.
Bí thư Đoàn thanh niên Văn phòng UBND quận 4 Cao Trí cho biết, Đoàn thanh niên Văn phòng UBND quận đặt quyết tâm lấy công tác giáo dục chính trị tư tưởng làm nhiệm vụ hàng đầu. Trong quá trình công tác, đoàn viên thanh niên đã sử dụng các công cụ trên mạng xã hội như Zalo, Facebook để liên lạc, thông tin kịp thời các bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng việc kết hợp với mẫu truyện kể về tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác tại buổi sinh hoạt đầu tuần, đầu tháng; trích những lời dạy của Bác để sửa đổi lề lối làm việc nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Còn tại Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị sáng tạo triển khai Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng việc định kỳ tổ chức chương trình “Những ca khúc ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh” từ tháng 5-2022 đến nay. Chương trình được duy trì tổ chức hằng tuần, mỗi lần khoảng 30 phút nhưng mang lại hiệu quả thiết thực. “Chương trình được sinh viên đón nhận và tham gia tích cực, vì đây vừa là cơ hội học hỏi, hiểu biết thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa là sân chơi cho các bạn thể hiện tài năng”, Bí thư Ðoàn thanh niên Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh Lê Bá Hưng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Đoàn thanh niên Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai các nội dung trực tuyến trên không gian mạng, lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thông qua việc xây dựng các chuyên mục đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook, YouTube…
Xây dựng nét văn hóa đặc trưng
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI đã xác định mục tiêu: “Hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác”. Với hiệu quả đạt được, có thể thấy, mục tiêu ý nghĩa này đã, đang đi vào đời sống người dân thành phố ngày càng rộng khắp hơn.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được quy hoạch, thiết kế tổng thể với nhiều hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng. Đây là nơi phổ biến, thực hành các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh trong tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, từ đó hình thành nét văn hóa đặc trưng của thành phố mang tên Bác.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận cho biết, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đề ra bốn nhóm giải pháp xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Thứ nhất, xây dựng con người văn hóa gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ hai, quy hoạch, đầu tư các công trình, thiết chế văn hóa chủ đề Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Thứ ba, xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Bác, làm cơ sở xây dựng chuẩn mực giá trị con người thành phố Hồ Chí Minh. Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa của người dân thành phố theo các tiêu chí gắn với giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh: "Trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhân dân là chủ thể và là lực lượng thực hiện các hoạt động; cán bộ, đảng viên trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị thể hiện vai trò dẫn dắt, gương mẫu".
Gửi phản hồi
In bài viết