Khẳng định tiềm năng phát triển du lịch vùng
Thông điệp “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc chào mừng các đại biểu dự hội nghị.
Đây là Hội nghị Xúc tiến đầu tư về lĩnh vực du lịch được tổ chức quy mô trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với sự tham gia của lãnh đạo 11 tỉnh có thực hành Di sản Then cùng với nhiều ngài Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các tập đoàn, công ty lữ hành, doanh nghiệp, nhà đầu tư về lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trao Thỏa thuận hợp tác giữa các tỉnh có Di sản Then và các doanh nghiệp. Ảnh: Việt Hòa
11 tỉnh có thực hành Di sản Then đa phần thuộc Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với 2 tiểu vùng Đông Bắc gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang và Tây Bắc gồm các tỉnh: Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu và tỉnh Quảng Ninh thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây là vùng có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực và cả nước và là vùng quan trọng được xác định trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, các tỉnh có thực hành Di sản Then với nét riêng biệt không hề có ở các vùng lãnh thổ khác trong cả nước. Vùng này có nhiều dãy núi rừng trùng điệp, hùng vĩ như dãy núi Hoàng Liên Sơn được mệnh danh là “mái nhà Đông Dương”. Ngoài Sapa là địa điểm du lịch nổi tiếng thuộc tỉnh Lào Cai còn có các địa danh khác như Hồng Thái (Tuyên Quang), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Đồng Văn, Quản Bạ (Hà Giang), Mộc Châu (Sơn La)... Những địa danh này được ví như bức tranh tuyệt tác vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, có đầy đủ mọi điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng các khu du lịch đẳng cấp quốc gia có tính chất riêng biệt của khu vực miền núi. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh với thế mạnh du lịch biển đảo đã và đang thu hút hàng triệu du khách đến tham quan mỗi năm.
Ngoài ra, vùng này còn có hàng chục khu bảo tồn tự nhiên, vườn quốc gia, khu rừng văn hóa - lịch sử - môi trường cùng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Thác Bà (Yên Bái), lòng hồ sông Đà (Sơn La), thác Bản Giốc (Cao Bằng), thác Bạc (Lào Cai), Khu danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang), Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Điểm nổi bật ở các tỉnh có Di sản Then là giá trị lịch sử văn hóa với hệ thống những điểm di tích quan trọng bậc nhất của Việt Nam cùng bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của các dân tộc đã trở thành điểm đến hấp dẫn, lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Cùng với những điều kiện được tự nhiên ban tặng, những năm qua, kinh tế - xã hội các tỉnh có thực hành Then phát triển rõ nét. Các hoạt động liên kết vùng được coi trọng gắn với đầu tư phát triển, từng bước hình thành và phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng như các tuyến đường cao tốc kết nối với Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ, Lào Cai... Nhiều tỉnh đã hình thành một số khu nông nghiệp chất lượng cao, vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp có giá trị. Các dự án đầu tư khu du lịch, nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú cao cấp được các doanh nghiệp lớn đến đầu tư như Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh, Saigon tourist…
Chớp cơ hội hợp tác phát triển
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch các tỉnh có Di sản Then, nhiều đại biểu các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, các Tập đoàn, doanh nghiệp du lịch đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong phát triển du lịch. Đồng thời khẳng định, hội nghị là cơ hội để các tỉnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch, mời gọi thu hút đầu tư, thống nhất suy nghĩ và hành động vì một mục tiêu chung là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn. Từ đó tạo bước đột phá, chuyển từ du lịch điểm sang du lịch vùng. Đây là cơ hội mà các tỉnh có Di sản Then cần nắm bắt kịp thời. Một triển vọng mới được mở ra nếu như có sự liên kết, hợp tác vùng trong phát triển du lịch đó là việc hình thành những sản phẩm du lịch mới theo hướng tăng cường xây dựng những tua, tuyến du lịch liên vùng như: Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội - các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh... cùng với đó là các sản phẩm du lịch, ẩm thực vùng miền đặc trưng cũng sẽ được hình thành.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, sau hội nghị này, Thái Nguyên cũng như các tỉnh có Di sản Then chắc chắn sẽ khai thác, phát huy tốt hơn hiệu quả những giá trị, sản phẩm du lịch riêng trong cái chung của sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng. Thái Nguyên chắc chắn sẽ mở rộng cơ hội tìm kiếm hợp tác, đầu tư phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa. Theo ông Võ Quang Liên Kha, thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel, 11 tỉnh có thực hành Then có nhiều tiềm năng to lớn để hợp tác và liên kết phát triển du lịch vùng. Nói không quá thì Tuyên Quang chính là nơi khởi phát, hội tụ, giao thoa những sắc thái văn hóa riêng trong vùng. Bởi vậy, mong muốn Tuyên Quang cũng như các tỉnh có Di sản Then sẽ nắm bắt cơ hội liên kết để cùng nhau tạo nên sức mạnh trong phát triển du lịch. Vietravel sẽ luôn đồng hành với các tỉnh trong quá trình liên kết, hợp tác du lịch.
Đồng chí Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, hội nghị là hoạt động rất ý nghĩa thêm một lần khẳng định sự cần thiết phải hợp tác, liên kết vùng trong phát triển du lịch. Chỉ khi có sự liên kết, hợp tác vùng, du lịch của mỗi tỉnh mới có thể khẳng định và đưa nét riêng có của từng tỉnh vươn xa hơn.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch được xem là hoạt động mang tính điểm nhấn trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh có thực hành Then. Đây sẽ là dịp để các tỉnh, các nhà đầu tư du lịch nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, từ đó thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa du lịch tăng tốc phát triển.
Đại diện cho 11 tỉnh có Di sản Then, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn đã trao Thỏa thuận hợp tác khai thác phát triển du lịch cho Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam Vietravel, Công ty TNHH Vietrantour, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội và 11 tỉnh có Di sản Then.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lai Châu và Tuyên Quang đã trao 12 quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 12 dự án du lịch. Trong đó, các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lai Châu mỗi tỉnh có 1 dự án, tỉnh Tuyên Quang có 9 dự án
Gửi phản hồi
In bài viết