Bộ sưu tập áo dài với chủ đề Kiến trúc cổ Hoa Lư.
Tại chương trình, Ban tổ chức đã mang đến 10 bộ sưu tập áo dài được lấy ý tưởng từ các kiến trúc di sản của Hoa Lư, như: gốm Bồ Bát, nghề đan cói, họa tiết hoa lau… và được thực hiện bởi các nghệ nhân làng thêu truyền thống Ninh Bình.
Đặc biệt, show diễn thời trang áo dài còn có sự kết hợp độc đáo của âm nhạc qua sự thể hiện của những ca sĩ: Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Lam, Nghệ sĩ Ưu tú Đàn nhị Thùy Anh, ca sĩ Phượng Kat, Minh Đức, Khang Ngọc cùng sự góp mặt của hoa hậu Ngọc Hân.
Chương trình "Ninh Bình - Áo dài trên con đường di sản" là một sự kiện văn hóa đặc sắc nhằm góp phần đẩy mạnh các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của làng nghề Ninh Bình; quảng bá cho khách du lịch trong nước, quốc tế về sản phẩm áo dài mang dấu ấn văn hóa, truyền thống của vùng đất cố đô Hoa Lư lịch sử.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, sơn kỳ thủy tú, có vị trí trọng yếu, điểm kết nối trung chuyển của 3 vùng kinh tế cũng là 3 vùng văn hóa của đất nước.
Hơn 30.000 năm trước, Ninh Bình được người tiền sử chọn làm địa bàn tụ cư, sinh sống. Thế kỷ X, Hoa Lư - Ninh Bình được chọn làm kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, tạo tiền đề cho sự phát triển rực rỡ của các thể chế nhà nước phong kiến Việt Nam trong các giai đoạn tiếp sau. Cư dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.
Sự kiện "Ninh Bình - Áo dài trên con đường di sản" được tổ chức tại Di tích quốc gia Chùa và Động Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, nơi từng là cửa ngõ của kinh thành Hoa Lư xưa nhằm tôn vinh và tri ân các bậc anh hùng danh tướng, các bậc tiên hiền, các nghệ nhân đã góp công làm nên bề dày lịch sử văn hóa của vùng đất Ninh Bình.
Chương trình đã giới thiệu tới công chúng những nghề thủ công truyền thống được người dân Ninh Bình sáng tạo và lưu truyền từ nhiều thế kỷ trước đến nay như: nghề gốm Bồ Bát; thêu-ren; cói Kim Sơn. Đây là ba trong số hàng chục nghề truyền thống đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa ở Ninh Bình, là nguồn lực và động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Bằng sự quyết tâm vươn lên không mệt mỏi cùng nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như một điểm tựa vững chãi, tỉnh Ninh Bình đã và đang trong tâm thế sẵn sàng bước vào giai đoạn bứt phá để vươn lên trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Gửi phản hồi
In bài viết