Làng hoa Lý Nhân rộn ràng đón Tết

- Nghề trồng hoa ở Lý Nhân, thôn 14, xã Trung Môn (Yên Sơn) đã có từ hơn 20 năm nay. Xưa, bà con ở Lý Nhân (Hà Nam) lên phát triển kinh tế, tụ cư nhiều đời ở đây mà thành tên gọi là Lý Nhân. Không chỉ là một vùng đất ngoại thành trù phú, bạt ngàn cây trái, một vựa rau tốt tươi, hoa màu phong phú..., Lý Nhân còn nổi tiếng có những vườn hoa lâu đời, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Du khách vào tận vườn của anh Nguyễn Văn Trường, thôn 4, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn
tự tay lựa những chậu hoa yêu thích, mong 1 năm mới tốt lành, tươi sáng.

 

Thôn 14, xã Trung Môn có 186 hộ thì có khoảng 30% số hộ trong thôn có nghề trồng hoa. Các loài hoa được trồng phổ biến ở đây là hoa Hồng, hoa Huệ tây (hoa Loa kèn trắng) và hoa Huệ ta. Gia đình anh Nguyễn Văn Trường, chị Phạm Thị Phượng là một trong những hộ trồng hoa lâu năm nhất của thôn 14. Với anh chị, trồng hoa không chỉ là nghề, mà nó còn là một thú chơi tao nhã. Quanh năm được ngắm những luống hoa vươn mình, khoe hương sắc rực rỡ nên bao vất vả, mệt nhọc cũng vợi đi phần nào. Trước đây gia đình anh chị chủ yếu trồng hoa hồng Pháp, nhưng hồng Pháp nhiều sâu bệnh, trồng lấy bông chiếm nhiều diện tích đất, chất lượng hoa lại không cao... 5 năm trở lại đây, gia đình chị đã chuyển sang trồng hoa Loa kèn trắng, Huệ ta và hoa Hồng, chủ yếu là hồng cổ Sa Pa, cổ Huế, hồng Đào, hồng Quế kép... Những giống hoa khỏe, sức kháng sâu bệnh tốt, không quá cầu kỳ trong khâu chăm sóc.

Từ việc ban đầu phải về Mê Linh (Hà Nội) mua cây giống, với hơn 20 năm kinh nghiệm gắn bó với nghề trồng hoa, giờ đây gia đình anh chị đã có thể tự chủ động giâm cành, chiết, ghép, nhân cây giống. Thấy hoa hồng ta phát triển tốt, bán được giá nên anh chị đã nhân rộng, trồng nhiều hơn. Hàng năm, cứ vào dịp tháng 7, tháng 8, những cành hồng đẹp và khỏe nhất sẽ được chọn, đưa vào chậu, được chăm sóc với chế độ đặc biệt để kịp phục vụ mùa hoa Tết. Những năm gần đây, vườn hồng của anh chị đã trở thành địa chỉ tin cậy, uy tín cho các nhà bán buôn hoa ở chợ Tam Cờ tìm đến. Chị Vũ Thị Thu Hiếu, tiểu thương chợ Tam Cờ cho biết, 2 năm gần đây, mỗi dịp Tết, chị đều vào tận vườn mua sỉ hồng chậu của gia đình anh chị Trường Phượng. Mua về, cây đều đảm bảo sống và ra hoa. 27 - 28 Tết năm ngoái, vườn nhà chị Phượng đã bán được trên 500 chậu hoa và trên 300 cây giống, vừa phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán, vừa đảm bảo nguồn thu ổn định để trang trải cuộc sống.

Chị Phạm Thị Xuân, thôn 4, xã Trung Môn đang cuốn giữ những nụ hồng Pháp để hoa kịp nở vào đúng dịp Tết.

Không có những vườn hồng nhiều sắc màu vui mắt như gia đình chị Phượng, gia đình chị Phạm Thị Xuân ở Lý Nhân, thôn 14, xã Trung Môn lại bền bỉ duy trì nghề trồng hoa hồng Pháp hơn 20 năm nay. Theo chị Xuân, hồng Pháp ưa khí hậu lạnh, sức đề kháng kém hơn các giống hồng truyền thống, các công đoạn trồng, chăm sóc hồng Pháp cũng công phu, cầu kỳ hơn hồng ta. Những năm thời tiết xấu, hồng Pháp thường xuyên bị nhện và bọ trĩ hoành hành, đồng nghĩa với việc người trồng hoa sẽ phải kiên trì, nhẫn nại hơn, dành nhiều thời gian hơn cho loài hoa kiêu kỳ này... Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, nên chất lượng hoa cao, nụ to, lộc đẹp, ít bị nhện, trĩ. So với những năm trước, giá hoa năm nay cũng ổn định, không có biến động lớn. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng hoa tiêu thụ chậm hơn. Nếu trước đây, người dân rộng rãi, “chơi” hoa là chính thì giờ đây việc chi tiêu nói chung và việc mua hoa nói riêng được cân nhắc chặt chẽ hơn, chỉ khi mùng một, hôm rằm, những dịp lễ, Tết, có việc... người dân mới mua hoa về dùng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nga, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 14, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn cho biết: Lý Nhân có lợi thế đất ven thành phố bằng phẳng, chất đất màu mỡ, nên nghề trồng cây trái, trồng rau, trồng hoa khá phát triển. Thôn vẫn luôn khuyến khích các hộ dân cải tạo, thay thế những loại hoa cho năng suất thấp bằng các loại hoa cho năng suất, chất lượng cao. Tích cực vận dụng tiến bộ kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc và đưa các giống hoa mới vào trồng để tạo sự đa dạng về chủng loại... giúp người dân nâng cao thu nhập, có điều kiện vui Xuân, đón Tết đủ đầy, sung túc hơn.

Cả năm người trồng vườn hứng khởi, trông đợi nhất ở vụ hoa Tết. Những ngày này, người trồng hoa đang tất bật chăm sóc cây, hoàn thành những công đoạn cuối cùng để phục vụ người dân đón Tết. Nhìn vườn hồng tấp nập người đến xem, mua... là niềm vui lớn của gia đình anh chị Trường Phượng và những người trồng hoa. Chia tay Lý Nhân, chia tay những người nông dân một nắng hai sương đang cần mẫn trên những cánh đồng hoa, nâng niu từng chồi non, nụ thắm..., chúng tôi chúc cho những ước nguyện tốt lành của người trồng vườn về một năm mới yên bình, ấm no và hạnh phúc sẽ sớm trở thành hiện thực. 

Bài, ảnh: Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục