Lạng Sơn giới thiệu sản phẩm du lịch mới

Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023, ngày 14-4, Sở VH-TT&DL tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Lạng Sơn - “Trải nghiệm và cảm nhận”, với nhiều sản phẩm du lịch mới của tỉnh Lạng Sơn.

Giới thiệu sản phẩm du lịch mới của tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Linh Tâm

Những sản phẩm như du lịch leo núi, du lịch cộng đồng, điểm du lịch sinh thái thác bản Khiếng... đã thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị lữ hành tại các tỉnh, thành tham dự chương trình.

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà, Lạng Sơn sở hữu 335 di tích về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh, trong đó có 32 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Đây là nhân tố quan trọng để phát triển du lịch văn hóa - lịch sử của Lạng Sơn.

Cùng với đó, Lạng Sơn cũng sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú để phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm, trong đó leo núi là sản phẩm du lịch đặc thù. Trên địa bàn tỉnh có 7 dân tộc thiểu số chung sống, là điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng.

Một góc Khu du lịch bản Khiếng (Lạng Sơn). Ảnh: Phạm Thành

Ngoài ra, Lạng Sơn cũng là điểm sáng đầu tư ở khu vực Đông Bắc với lợi thế vị trí gần cửa khẩu, hạ tầng hoàn thiện, nhiều dự án lớn và phát triển đồng bộ thương mại, du lịch. Thành phố Lạng Sơn đang dần trở thành đô thị hạt nhân của vùng trung du miền núi phía Bắc, là đầu mối giao thương liên vùng, quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng của hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế Bắc Bộ.

“Xác định mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật một số khu, điểm du lịch tiềm năng; ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy Lạng Sơn phát triển toàn diện”, ông Nguyễn Phúc Hà cho biết.

Tuy sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng nhưng Lạng Sơn vẫn chưa thu hút nhiều khách du lịch. Theo các doanh nghiệp, du lịch Lạng Sơn cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá dưới nhiều hình thức; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống lưu trú nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, Lạng Sơn cần phát triển những sản phẩm “điểm nhấn” là du lịch cộng đồng, du lịch leo núi, du lịch biên mậu, du lịch tâm linh... một cách bền vững, tránh tình trạng đô thị hóa, bê tông hóa...

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và tư vấn du lịch Việt Nam Lưu Đức Kế, Lạng Sơn cần đẩy mạnh đầu tư phát triển loại hình du lịch cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu Tân Thanh tương xứng với cửa khẩu Pò Chài của Trung Quốc. 

Cũng theo ông Kế, Lạng Sơn cần chủ động đề nghị với Chính phủ để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt liên vận quốc tế nhằm bắt kịp với xu thế của một số nước lân cận.

Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương cho rằng, Lạng Sơn cần tập trung phát triển sản phẩm trải nghiệm gắn với thiên nhiên phù hợp với nhu cầu của du khách, đặc biệt là thảo nguyên Hữu Liên (huyện Hữu Lũng). Bên cạnh các giải pháp để thu hút khách, Lạng Sơn cần chú trọng bảo tồn dãy núi đá tại đây, hạn chế tình trạng khai thác đá làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường tại khu vực này. 

Tiếp thu những ý kiến đóng góp, Giám đốc Sở VH-TT&DL Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà tin tưởng, sau chương trình này, sự hợp tác phát triển du lịch giữa Lạng Sơn và các tổ chức, doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư sẽ góp phần tạo cơ hội mới cho du lịch tỉnh Lạng Sơn phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng và bền vững. 

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục