Nơi tổ chức các cuộc họp chính thức của COP26.
Theo hãng tin BBC, dự kiến đại diện 196 quốc gia sẽ tham dự Hội nghị COP26. Với chương trình nghị sự kéo dài 12 ngày (từ 31-10 đến 2-11), mục tiêu Hội nghị COP26 đề ra là: Bảo vệ mục tiêu giảm khí phát thải toàn cầu bằng 0 vào năm 2050 và giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này; thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên; các nước phát triển phải thực hiện lời hứa huy động ít nhất 100 tỷ USD tài chính cho chương trình chống biến đổi khí hậu mỗi năm; cùng nhau hoàn thiện các quy tắc chi tiết cho Thỏa thuận Paris 2015 để giải quyết khủng hoảng khí hậu thông qua sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự.
Ngay trước thềm hội nghị, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cam kết giảm 50% lượng khí thải ròng của New Zealand vào năm 2030 so với mức của năm 2005. Bà Ardern khẳng định biến đổi khí hậu là một ưu tiên của Chính phủ New Zealand vì đây là mối đe dọa đối với nền kinh tế, môi trường và cuộc sống hằng ngày của tất cả người dân.
Trong một bài phát biểu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã nhấn mạnh rằng, báo cáo khoa học mới nhất của Chương trình môi trường LHQ về biến đổi khí hậu là một cảnh báo mạnh mẽ về cuộc khủng hoảng khí hậu. Theo báo cáo này, các kế hoạch do 120 quốc gia đệ trình nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang thiếu hụt đáng kể so với thực tế để có thể ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. "Tất cả các quốc gia cần nhận ra rằng mô hình phát triển cũ, khí thải carbon là một bản án tử hình cho nền kinh tế và cho hành tinh của chúng ta", ông Guterres cảnh báo.
Hội nghị COP26 được chia làm 2 khu vực. Vùng xanh da trời là khu vực của LHQ, nơi diễn ra các cuộc họp chính thức và chỉ có đại biểu cấp cao được vào. Khu vực này được các binh sĩ LHQ tuần tra và kiểm soát an ninh ở mức độ cao nhất. Vùng xanh lá cây là nơi tổ chức nhiều sự kiện mở cho công chúng tham dự.
Gửi phản hồi
In bài viết