Tháng 3-2020, vợ chồng anh quyết định vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang số tiền 50 triệu đồng, cộng với số tiền tích góp của gia đình đầu tư chuồng trại, mua 11 con trâu, bò các loại về nuôi vỗ béo. Là người trẻ, anh nhận thức, muốn làm có hiệu quả mô hình này cần có kiến thức sâu rộng về vật nuôi, nguồn thức ăn dồi dào, thời gian rảnh rỗi anh đều bỏ công đi tham quan các mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo ở các địa phương trong tỉnh, anh đầu tư cải tạo 1 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây cỏ voi làm thức ăn, nghiên cứu cách ủ chất thải của vật nuôi thành phân bón cho cỏ và cây trồng.
Nhờ có sự đầu tư chuồng trại và thức ăn đảm bảo nên sau 3 tháng nuôi thử nghiệm mỗi con trâu, bò của gia đình đều tăng trọng lượng từ 80 - 100 kg, trừ chi phí mỗi con cũng lãi khoảng 4 triệu đồng. Anh cho biết, chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo là hình thức làm ăn rất hiệu quả, người dân không phải bỏ quá nhiều công sức chăn dắt theo cách thủ công, chỉ cần tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi, ngay như lượng nước uống cũng phải hợp lý nếu không sẽ bị bệnh đường ruột...
Tuy mới khởi nghiệp được gần 1 năm, nhưng trong năm đầu tiên anh Tình đã xuất bán được 2 lứa trâu, bò vỗ béo, thu về trên 100 triệu đồng tiền lãi. Anh đã trả được nợ ngân hàng và dự định trong năm nay, sẽ mở rộng quy mô chuồng trại để chăn nuôi thêm dê sinh sản tận dụng nguồn thức ăn cây cỏ tự nhiên, nhằm nâng cao thu nhập.
Đồng chí Đặng Thị Hải Lý, Bí thư Đoàn xã Thanh Tương nhận xét, ngoài làm kinh tế giỏi, anh Tình còn là đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động Đoàn trong thôn, hiện anh đang giúp đỡ nhiều thanh niên trong thôn có thêm kiến thức để làm kinh tế, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết