Lấy chính trị bù kinh tế

Hội nghị cấp cao thường niên năm nay của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra từ ngày 13 đến 15-6, tại Italia.

Đối với Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, tổ chức sự kiện lớn này của Nhóm G7 là cơ hội tuyệt vời để đề cao vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới cũng như chính trị châu lục của Italia và của cá nhân mình. Bối cảnh tình hình chung lại thuận lợi khi phe cầm quyền của bà duy trì được vị thế quyền lực ở Italia trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua.

Cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của Nhóm G7 còn đặc biệt ở chỗ nhân sự thành viên tham dự sắp có biến động lớn. Phe cầm quyền của cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lẫn Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều thảm bại trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa rồi. Không ai tin Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ được tiếp tục tại nhiệm sau cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới ở Anh.

Cũng không ai dám chắc Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ được tham dự cuộc gặp cấp cao sang năm của Nhóm G7. Ở Nhật Bản và Canada năm tới sẽ có bầu cử Quốc hội và hiện thật sự khó dự đoán được về tương lai chính trị của cả Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng như Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Trong khi đó, những nội dung chính trên chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao năm nay của Nhóm G7 ở Italia cơ bản không có gì mới cho dù vẫn rất thời sự. Vẫn chuyện cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Vẫn chuyện chống biến đổi khí hậu trái đất. Vẫn chuyện đối phó Trung Quốc. Vẫn vấn đề người tị nạn và di cư. Và có chuyện cuộc chiến tranh ở Dải Gaza giữa Israel và Hamas.

Khuôn khổ hội nghị này được thành lập cách đây đúng nửa thế kỷ với tên gọi chính thức ban đầu là Hội nghị cấp cao về kinh tế thế giới. Đã từ rất nhiều năm nay rồi, Nhóm G7 buộc phải lấn sân chính trị để vớt vát vai trò và ảnh hưởng vốn bị suy giảm, không còn tác động mạnh trực tiếp tới kinh tế thế giới. Cũng dễ lý giải điều này khi 7 thành viên của nhóm này không còn là 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới nữa. Vì vậy, họ không còn có thể dẫn dắt và chi phối kinh tế thế giới như ở giai đoạn ban đầu của nhóm nữa.

Cho nên, không có gì là khó hiểu khi nhóm này ở giai đoạn hiện nay phải tập trung vào việc gây dựng vai trò và ảnh hưởng chính trị để bù cho kinh tế.

Ở cuộc gặp cấp cao năm nay của nhóm thì điều này lại càng rõ ràng. Nhóm này bàn về cách sử dụng 50 tỷ USD tiền lãi từ khối tài sản của Nga ở nước ngoài bị họ phong tỏa để giúp tái thiết Ukraine nhưng trong thực chất nhằm khích lệ và viện trợ trực tiếp cho Ukraine. Từ đó, Ukraine tiếp tục chiến tranh với Nga.

Ngoài ra, cũng phải kể đến việc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một vài thành viên khác áp dụng thêm một số biện pháp chính sách trừng phạt Nga và Trung Quốc. Nhóm này sẽ thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden về ngừng chiến và tiến tới chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza.

Vì cuộc gặp cấp cao năm nay do Italia tổ chức nên các thành viên của nhóm cũng phải chiều lòng Thủ tướng Giorgia Meloni để quan tâm nhiều hơn đến hợp tác với các quốc gia châu Phi. Những gì có lợi nhiều cho bà Giorgia Meloni và Italia lại chưa hẳn có lợi cho Nhóm G7 vì nhóm này vẫn nặng về danh mà nhẹ về thực, vẫn đầy những tuyên bố to tát mà rồi sau đấy nhanh chóng bị quên lãng.

Thế giới hiện đại chuyển biến rất nhanh và rất sâu sắc. Trong khi đó, nhiều năm nay, G7 vẫn loay hoay, chưa tự định vị lại được về bản chất cũng như đường hướng hoạt động và mục đích tồn tại trong thế giới hiện đại.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục