Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Tuyên Quang.
Hội thảo tổ chức trực tuyến tại 25 điểm cầu trên cả nước. Tham dự hội thảo tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ma Thế Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.
Dự thảo Đề án “Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên” nhằm tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, bảo đảm tổ chức cơ sở đảng thật sự vững mạnh toàn diện, đủ sức lãnh đạo, giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề phức tạp ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; kiện toàn, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị cơ sở đồng bộ, thống nhất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở; xây dựng đội ngũ đảng viên có số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong tình hình mới, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Cụ thể, đến năm 2025 hoàn thiện mô hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với ngành, lãnh thổ và yêu cầu của thực tiễn; hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở đảng và quy chế làm việc của cấp ủy cơ sở bảo đảm phù hợp với thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ mới; phấn đấu cơ bản bí thư, phó bí thư cấp ủy cơ sở có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; phấn đấu cơ bản các trưởng thôn, tổ trưởng dân phố là đảng viên; phấn đấu 100% thôn, bản có đảng viên; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đảng viên bảo đảm đồng bộ liên thông trong toàn Đảng. Đến năm 2030, không còn thôn, bản, tổ dân phố không có chi bộ; trưởng thôn, tổ trưởng dân phố là đảng viên; cơ bản đội ngũ cấp ủy viên cơ sở có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
Trên cơ sở đó, dự thảo đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là phải tiếp tục kiện toàn, sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến vào một số nội dung của dự thảo Đề án.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã tham gia ý kiến vào một số nội dung của dự thảo Đề án. Trong đó bí thư, phó bí thư cấp ủy cơ sở có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; mức độ khả thi về tỉ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên theo 2 giai đoạn đến năm 2025 và 2030 là có khả thi. Cụ thể, đối với Tuyên Quang, tỷ lệ bí thư, phó bí thư cấp ủy có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên chiếm 97,44%; tỷ lệ trưởng thôn chưa là đảng viên còn 2/1.733 thôn, tổ dân phố, bằng 0,12%.
Đồng chí cũng nhất trí và đề xuất ý kiến vào một số nội dung khác như: việc sắp xếp mô hình tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp theo ngành, lãnh thổ; xây dựng chi bộ kiểu mẫu, đảng bộ cơ sở kiểu mẫu...
Qua thực tiễn công tác lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, đồng chí đề nghị Ban Tổ chức Trung ương Đảng nghiên cứu, bổ sung ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ bộ phận để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn Đảng, nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ bộ phận trong tình hình hiện nay; đề nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật có liên quan để bố trí biên chế công chức cấp xã làm phó chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Kiểm tra đảng ủy xã, phường, thị trấn có từ 300 đảng viên trở lên.
Gửi phản hồi
In bài viết