Thi bơi chải trên lạch Hới ở thành phố Sầm Sơn.
Lễ hội cầu ngư-bơi chải được tổ chức tôn nghiêm theo nghi thức truyền thống. Sau màn rước kiệu, dâng lễ vật, dâng hương, tế lễ, nội dung sớ trình tấu cầu mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng để ngư dân vươn khơi, bám biển, đánh bắt thủy sản bội thu.
Nổi trống khai mạc lễ hội và trình bày diễn văn tại lễ hội, lãnh đạo thành phố Sầm Sơn nhấn mạnh: Lễ hội cầu ngư-bơi chải năm 2023 hướng tới các hoạt động “chung sức bảo vệ biển, đảo”, khuyến khích, động viên ngư dân vươn khơi, bám biển lao động sản xuất, bảo vệ sự đa dạng sinh thái, tài nguyên biển, bảo vệ vùng biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc, chung tay, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tiếp đó là chương trình nghệ thuật kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, ngợi ca tình yêu lao động, tôn vinh chủ thể lao động, sáng tạo.
Rước kiệu cùng phối tế ở lễ hội cầu ngư thành phố Sầm Sơn.
Phần hội kéo dài với phần thi đan lưới thu hút các nữ nghệ nhân khéo tay, lành nghề đến từ các xã, phường trên địa bàn thành phố tham gia.
Sôi động, hấp dẫn hơn là cuộc thi bơi chải truyền thống với sự tham gia của 84 vận động viên thuộc 4 đội bơi đến từ 11 xã, phường trên địa bàn thành phố Sầm Sơn cùng đua sức, đua trí, đua tài trên sông cửa Hới.
Cùng với lễ hội cầu phúc, lễ hội bánh chưng, bánh dày, lễ hội cầu ngư-bơi chải là hoạt động văn hóa-thể thao truyền thống độc đáo được bảo lưu, tái hiện trong đời sống cộng đồng ở thành phố Sầm Sơn.
Qua đó giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, di sản ông cha trao truyền; tôn vinh chủ thể lao động sáng tạo ở Sầm Sơn và vùng duyên hải Thanh Hóa.
Gửi phản hồi
In bài viết