Xung đột Palestine - Israel liên tục leo thang những ngày gần đây khiến nhiều người thiệt mạng
và hàng trăm người khác bị thương.
Trong một diễn biến mới nhất ngày 12-5, tổ chức Hồi giáo vũ trang Hamas cho biết, đã phóng 130 quả rocket vào thành phố Tel Aviv và khu vực miền Trung của Israel. Vụ tấn công đã khiến Israel phải kích hoạt hệ thống đánh chặn và báo động tại tất cả các khu vực nơi có đạn pháo hướng tới. Trước đó, sau cuộc họp khẩn cấp của cơ quan an ninh, quân đội Israel đã mở chiến dịch tấn công vào 140 địa điểm của Hamas tại Dải Gaza, khiến 1 chung cư 13 tầng tại Dải Gaza bị đổ sập do trúng không kích.
Sau khi đánh giá tình hình an ninh, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Israel Kochavi đã chỉ thị tăng cường các lực lượng xung quanh Dải Gaza, bổ sung lực lượng bộ binh, thiết giáp, đồng thời tiếp tục không kích các địa điểm thuộc quyền kiểm soát của Hamas và các nhóm phiến quân khác. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Grantz cũng đã phê duyệt kế hoạch tuyển khoảng 5.000 quân dự bị để phục vụ chiến dịch tấn công. Các nguồn tin báo chí Palestine cho biết, ít nhất 30 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các vụ không kích của Israel.
Nguyên nhân bùng phát bạo lực lần này bắt nguồn từ việc người biểu tình Palestine phản đối Israel chiếm giữ khu vực đền thờ Al-Aqsa ở Đông Jerusalem và đuổi người Palestine ở Jerusalem ra khỏi nhà để xây khu định cư cho người Do Thái. Phong trào Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza đã ấn định thời hạn chót Israel phải rút lực lượng khỏi đền Al-Aqsa. Đây là lần đầu tiên trong 2 năm qua các vụ không kích của Hamas nhằm vào thành phố Tel Aviv, trung tâm kinh tế của Israel. Ngoài ra, Hamas cho biết đã sử dụng một loại tên lửa mới có tên "Sijeel" để vượt qua hệ thống đánh chặn Vòm Sắt của Israel.
Trước diễn biến bạo lực leo thang giữa người Palestine và Israel, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại và kêu gọi các bên kiềm chế nhằm tránh gây thêm thương vong. Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, Tổng Thư ký Antonio Guterres đã bày tỏ thất vọng trước tình hình thương vong gia tăng trong các vụ không kích của Israel tại Dải Gaza. Liên hợp quốc hiện đang khẩn trương hành động nhằm giảm leo thang căng thẳng giữa hai bên.
Nhóm bộ tứ gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước tình trạng bạo lực ở Jerusalem. Trong tuyên bố mới đây, nhóm này nhấn mạnh, các phái viên lưu ý mức độ nghiêm trọng của những vụ trục xuất đối với các gia đình Palestine ra khỏi những ngôi nhà mà họ đã sinh sống qua nhiều thế hệ, đồng thời lên tiếng phản đối các hành động đơn phương, vốn sẽ chỉ khiến bầu không khí căng thẳng leo thang. Tuyên bố cũng nhắc lại cam kết của nhóm bộ tứ đối với giải pháp 2 nhà nước được Liên hợp quốc ủng hộ trong nhiều năm qua.
Kể từ khi bản Kế hoạch hòa bình Trung Đông với nhiều điều khoản gây tranh cãi do chính quyền Tổng thống Mỹ công bố năm 2020, quan hệ Israel - Palestine ngày càng trượt dốc. Đỉnh điểm là việc chính quyền Palestine thông báo sẽ không tiếp tục tuân thủ thỏa thuận Oslo, được ký kết năm 1993 với Israel. Thỏa thuận này vốn được xem là mốc khởi đầu cho tiến trình hòa bình tại Trung Đông, bao gồm nhiều cam kết, giải pháp và hoạt động phối hợp an ninh nhằm chấm dứt xung đột giữa 2 nước.
Những căng thẳng lần này sẽ tiếp tục đặt Trung Đông trước một chu kỳ bất ổn mới, có thể thổi bùng lên ngọn lửa xung đột đang âm ỉ ở nhiều nơi. Dư luận quốc tế lo ngại, thực tế đáng buồn này có thể là cơ hội để tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lợi dụng tình hình để trỗi dậy.
Gửi phản hồi
In bài viết