Người vô gia cư đi dưới tuyết lạnh ở Afghanistan. (Ảnh: UN)
Đây là khoản viện trợ dành riêng cho 1 quốc gia lớn nhất từ trước tới nay mà Liên hợp quốc kêu gọi.
Theo Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân đạo, người dân Afghanistan cần được cứu trợ khẩn cấp để ngăn chặn nạn đói, bệnh tật, tình trạng suy dinh dưỡng và tử vong.
Gói cứu trợ này sẽ cho phép các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc phân phát thực phẩm và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, dịch vụ y tế, cung cấp chỗ ở an toàn, tiếp cận hệ thống nước sạch và vệ sinh, giáo dục cho người dân Afghanistan.
Dự kiến, Liên hợp quốc sẽ chi tới 4,4 tỷ USD để cứu trợ khẩn cấp trong năm nay cho 22 triệu người dân sống tại Afghanistan, và 623 triệu USD hỗ trợ 5,7 triệu người Afghanistan tị nạn ở 5 nước láng giềng.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, 4,7 triệu người ở Afghanistan sẽ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong năm 2022, trong đó có 1,1 triệu trẻ em. Khoảng 8 triệu trẻ em có thể mất cơ hội được học tập do phần lớn giáo viên không được trả lương kể từ tháng 8/2021.
Tiền cứu trợ sẽ phân bổ cho 160 tổ chức phi chính phủ và các cơ quan Liên hợp quốc đang phân phát cứu trợ. Một phần sẽ được sử dụng để chi trả lương cho các nhân viên tuyến đầu như các nhân viên y tế, nhưng không thông qua chính quyền Taliban.
Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho biết, mục đích của gói cứu trợ là ổn định tình hình bên trong Afghanistan, qua đó ngăn chặn dòng người di cư vượt qua biên giới nước này. Ông cảnh báo, nếu những nỗ lực cứu trợ không thành công, Liên hợp quốc sẽ phải yêu cầu 10 tỷ USD trong năm 2023.
Trong 1 diễn biến liên quan, các nhà cầm quyền Taliban của Afghanistan đã hội đàm với lãnh đạo cấp cao của liên minh chống Taliban tại Iran vào cuối tuần qua. Đây là cuộc họp đầu tiên giữa 2 bên, nhấn mạnh những nỗ lực của phong trào Hồi giáo này chào đón những nhân vật đối lập về nước.
Trong 1 video được công bố ngày 10/1, Bộ trưởng Ngoại giao được Taliban chỉ định cho biết, các lãnh đạo liên minh chống Taliban được thông báo họ có thể trở về Afghanistan và được cam kết bảo đảm an toàn.
Kể từ khi lực lượng Taliban trở lại nắm chính quyền tại Afghanistan giữa tháng 8/2021, nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính với tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp gia tăng. Mỹ đóng băng hàng tỷ USD tài sản của Afghanistan trong hệ thống ngân hàng, trong khi hoạt động cứu trợ bị gián đoạn nghiêm trọng. Trong năm ngoái, nước này cũng bị mất mùa do hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Gửi phản hồi
In bài viết