“Đã 6 tháng kể từ khi các cuộc đấu súng tại Đường Xanh nổ ra. Tình hình không suy giảm và gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên”, điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc tại Lebanon Joanna Wronecka và người đứng đầu Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Lebanon (UNIFIL) Aroldo Lazaro cho biết trong một tuyên bố chung, ngày 8-4 (giờ địa phương).
Đường Xanh là giới tuyến giữa Lebanon và Israel, do Liên hợp quốc phân định năm 2000 sau khi Israel rút quân khỏi miền Nam Lebanon. Hoạt động tuần tra khu vực này hiện do UNIFIL đảm nhiệm.
Tuyên bố cũng nêu rõ, tình trạng bạo lực đã kéo dài quá lâu cần phải chấm dứt, đồng thời, kêu gọi các bên tận dụng mọi biện pháp để tránh leo thang hơn nữa, bao gồm thông qua ngoại giao.
Xe tăng quân đội Israel hiện diện gần khu vực biên giới với Lebanon. Ảnh: Reuters
Theo AFP, căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Israel và Lebanon gia tăng sau khi xung đột nổ ra ở Dải Gaza. Trong động thái thể hiện ủng hộ lực lượng Hamas, Hezbollah đã tăng cường các cuộc tấn công nhưng thường chỉ giới hạn ở biên giới. Trái lại, Israel ngày càng tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Lebanon và nhắm vào các chỉ huy của Hezbollah.
Trước những diễn biến này, các quan chức Liên hợp quốc cảnh báo, việc mở rộng phạm vi và quy mô của các cuộc đối đầu có thể làm tăng đáng kể nguy cơ tính toán sai lầm và khiến tình hình vốn đã đáng báo động trở nên tồi tệ hơn.
Thống kê cho thấy, tình trạng bạo lực đã khiến ít nhất 363 người ở Lebanon thiệt mạng, gồm các chiến binh Hezbollah và thường dân. Hàng chục nghìn người cũng đã phải di dời ở cả miền Nam Lebanon và miền Bắc Israel.
Do đó, một tiến trình chính trị gắn liền với việc thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1701 đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột và bảo đảm sự ổn định lâu dài.
Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã chấm dứt cuộc chiến năm 2006 giữa Israel và Hezbollah, đồng thời, kêu gọi quân đội Lebanon và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là các lực lượng vũ trang duy nhất được triển khai ở miền Nam quốc gia này.
Dù không có sự hiện diện quân sự rõ ràng ở khu vực biên giới kể từ năm 2006 nhưng Hezbollah vẫn kiểm soát các khu vực rộng lớn ở phía Nam Lebanon, xây dựng nhiều đường hầm, địa điểm ẩn náu và tiến hành nhiều cuộc tấn công.
Gửi phản hồi
In bài viết