Một nông dân chăm sóc cây trồng trên cánh đồng ở Nigeria. Ảnh: UNDP Nigeria
"Thực tế mới"
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nói khi công bố báo cáo mới nhất về tác động của xung đột Ukraina với an ninh lương thực, năng lượng và tài chính rằng, tác động lan tỏa từ chiến sự Ukraina đã tạo ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng mà không quốc gia hoặc cộng đồng nào có thể tránh khỏi.
Ước tính khoảng 1,6 tỉ người ở 94 quốc gia đang đối mặt với ít nhất một khía cạnh của cuộc khủng hoảng, với khoảng 1,2 tỉ người đang sống ở các quốc gia dễ bị tổn thương nghiêm trọng ở cả 3 khía cạnh an ninh lương thực, năng lượng và tài chính, theo Nhóm Ứng phó Khủng hoảng Toàn cầu (GCRG).
Báo cáo kêu gọi bình ổn giá thực phẩm và nhiên liệu vốn đang cao kỷ lục, triển khai mạng lưới an toàn xã hội và tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết, thông điệp rất rõ ràng và nhất quán: Các quốc gia phải hành động ngay để cứu các sinh mạng và sinh kế. Ba tháng sau khi Nga phát động chiến sự Ukraina "chúng ta phải đối mặt với một thực tế mới" - ông nhấn mạnh.
"Với người dân trên toàn thế giới, chiến sự đang đe dọa kích hoạt đợt đói chưa từng thấy, dẫn tới sự hỗn loạn về kinh tế và xã hội" - ông nói thêm.
Hơn nữa, cuộc khủng hoảng đang làm tăng hậu quả của những thách thức khác mà các quốc gia đang đối mặt, như tình trạng khẩn cấp về khí hậu, đại dịch COVID-19 và bất bình đẳng về nguồn lực phục hồi sau đại dịch.
Theo báo cáo, việc tăng nạn đói từ khi chiến sự bùng phát có thể cao hơn và lan rộng hơn. Số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi, từ 135 triệu người trước đại dịch, lên 276 triệu người chỉ trong vòng 2 năm. Ảnh hưởng của chiến sự có thể đẩy con số này lên 323 triệu.
Người đứng đầu cơ quan thương mại và phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCTAD) Rebeca Grynspan - đồng lãnh đạo GCRG về tài chính - cho hay, thế giới đang trong "cuộc chạy đua với thời gian" và việc không hành động sẽ tốn kém hơn tìm kiếm giải pháp. Bà cảnh báo, cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt có thể châm ngòi cho một “chu kỳ bất ổn xã hội dẫn đến bất ổn chính trị”.
Khoảng 60% người lao động trên toàn thế giới có thu nhập thực tế thấp hơn so với trước đại dịch, có nghĩa là các gia đình đang phải lựa chọn bỏ bữa, để trẻ đến trường hay thanh toán chi phí y tế. “Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay có thể nhanh chóng biến thành thảm họa lương thực toàn cầu vào năm 2023" - bà Grynspan cảnh báo.
Chi phí năng lượng cao hơn và các hạn chế thương mại với nguồn cung phân bón từ khu vực Biển Đen khiến giá phân bón thậm chí còn tăng nhanh hơn giá lương thực. Bà chỉ ra, nếu chiến sự tiếp tục, giá ngũ cốc và phân bón cao kéo dài sang vụ mùa tiếp theo, tình trạng thiếu những lương thực cơ bản khác như gạo sẽ xảy ra, ảnh hưởng đến hàng tỉ người trên toàn thế giới.
"Thỏa thuận trọn gói" với xuất khẩu
Báo cáo của Liên Hợp Quốc chỉ rõ rằng, tác động của chiến sự với an ninh lương thực, năng lượng và tài chính là mang tính hệ thống, nghiêm trọng và đang tăng tốc, Tổng Thư ký António Guterres lưu ý.
Dù chấm dứt xung đột là cách duy nhất để ngăn chặn cơn bão hợp lại này, người đứng đầu Liên Hợp Quốc kêu gọi trước hết cần hành động ngay trên 2 phương diện: Ổn định thị trường lương thực và năng lượng toàn cầu; hỗ trợ các nước nghèo hơn trong cuộc khủng hoảng.
Ông António Guterres cho hay, bà Grynspan và lãnh đạo bộ phận nhân đạo của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths sẽ phối hợp hai lực lượng đặc trách để tìm ra một "thỏa thuận trọn gói" cho phép lương thực do Ukraina sản xuất được xuất khẩu qua Biển Đen một cách an toàn và đảm bảo, trong khi lương thực và phân bón của Nga sẽ được tiếp cận không bị ngăn cản trên thị trường toàn cầu.
Các quan chức hàng đầu đã bắt đầu hợp tác chặt chẽ với các bên ở Nga, Ukraina cũng như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh Châu Âu và Mỹ về vấn đề này.
Nhấn mạnh không có giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng toàn cầu khi không giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế ở các nước đang phát triển, người đứng đầu Liên Hợp Quốc - António Guterres - kêu gọi nguồn lực lớn hơn để giúp các quốc gia và cộng đồng nghèo nhất thế giới vào thời điểm hiện tại. “Hệ thống tài chính toàn cầu phải vượt lên trên những thiếu sót và sử dụng tất cả các công cụ, với sự linh hoạt và hiểu biết, để cung cấp sự hỗ trợ cho các quốc gia và người dân dễ bị tổn thương" - ông chỉ ra.
“Sản xuất lương thực của Ukraina, thực phẩm và phân bón do Nga sản xuất phải được đưa trở lại thị trường thế giới cho dù có chiến sự" - Tổng Thư ký António Guterres nói. |
Gửi phản hồi
In bài viết