Mua đồ ăn tại Kabul, Afganistan tháng 11/2021. Ảnh: Reuters
HEF dự kiến được triển khai trong tháng 2 này, cho phép các cơ quan cứu trợ nhân đạo tiếp cận với nguồn tiền do các doanh nghiệp tư nhân Afghanistan nắm giữ. Liên hợp quốc có thể sử dụng hàng chục triệu USD để chi trả cho các doanh nghiệp nước ngoài, từ đó giúp hồi sinh lĩnh vực kinh tế tư nhân và các hoạt động nhập khẩu thiết yếu của Afghanistan.
Trong khi đó, phái đoàn Taliban hiện có mặt tại Geneva (Thụy Sĩ) để đàm phán về vấn đề cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan. Ngày 10/2, phái đoàn Taliban ra thông báo kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác trên cơ sở minh bạch và có trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ nhân đạo của Afghanistan. Thông báo nêu rõ, Taliban muốn tạo điều kiện cho mọi tổ chức cứu trợ tham gia hỗ trợ nhân đạo và hậu cần cho người dân Afghanistan, mở cửa biên giới và tạo hành lang an toàn cho các đoàn xe, tàu chở hàng và nhân viên cứu trợ.
Afghanistan ngày càng lún sâu vào khủng hoảng kinh tế và tài chính. Theo Liên hợp quốc, hiện có khoảng 20 triệu người, gần nửa số dân Afghanistan, rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực, các hệ thống kinh tế, giáo dục và dịch vụ xã hội của Afghanistan bên bờ sụp đổ. Nhiều tháng qua, Liên hợp quốc nỗ lực tìm cách nới lỏng các biện pháp trừng phạt, tìm kiếm các nguồn và cách thức hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan.
Cho đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn chưa công nhận chính quyền do Taliban thành lập tại Afghanistan, đồng thời kêu gọi Taliban bảo đảm mọi quyền lợi cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Hôm 10/2, Thụy Sĩ ra thông báo nêu rõ chuyến thăm của phái đoàn Taliban tới Geneva không đồng nghĩa rằng Chính phủ Thụy Sĩ công nhận chính quyền do Taliban đứng đầu tại Afghanistan.
Gửi phản hồi
In bài viết