“Chúng tôi vô cùng lo lắng về tình cảnh của thường dân ở Rafah”, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric tuyên bố.
Ông Stephane Dujarric cũng nhấn mạnh, người dân cần được bảo vệ nhưng Liên hợp quốc không muốn chứng kiến một cuộc di dời trái với nguyện vọng.
“Chúng tôi sẽ không ủng hộ việc cưỡng bức di tản dưới bất kỳ hình thức nào. Điều này đi ngược lại luật pháp quốc tế”, người phát ngôn khẳng định.
Ngày 10-2, Reuters đưa tin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra lệnh cho quân đội quốc gia này lập kế hoạch kép, bao gồm việc sơ tán dân thường Palestine khỏi thành phố Rafah ở miền Nam Gaza và tiếp tục duy trì các hoạt động quân sự cho đến khi loại bỏ hoàn toàn lực lượng Hamas.
Động thái của Thủ tướng Benjamin Netanyahu được đưa ra khi hơn một nửa trong số 2,3 triệu người ở Gaza vẫn đang trú ẩn tại Rafah, với nhiều trường hợp phải sinh sống trong những căn lều tạm bợ.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) lo ngại, mật độ dân số chưa từng có tại Rafah khiến việc bảo vệ dân thường trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công trên bộ gần như không thể thực hiện được.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cũng lo ngại kế hoạch của Israel là sự leo thang nghiêm trọng, trong bối cảnh nhiều dân thường tại Rafah đã phải sơ tán nhiều lần khi quốc gia này ngày càng đẩy mạnh chiến dịch quân sự xa hơn về phía Nam Gaza.
“Cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Rafah sẽ rất thảm khốc và không được tiếp tục. Không nơi nào ở Gaza an toàn và không có cách nào để người dân rời đi”, tuyên bố của MSF nêu rõ.
Theo giới chức Rafah, lượng rác thải 3 tháng qua tại thành phố này tương đương trong 1 năm. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm lương thực, nước sạch, dịch vụ y tế và cơ sở vệ sinh đã dẫn đến sự bùng phát của những căn bệnh có thể phòng ngừa được, cũng như những bệnh gây tử vong.
Người dân Palestine tại một điểm trú ẩn ở thành phố Rafah thuộc phía Nam Gaza. Ảnh: Reuters
Điều phối viên nhân đạo Liên hợp quốc Jamie McGoldrick cho biết, nhiên liệu, máy phát điện và phụ tùng thay thế là những mặt hàng cần thiết để cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch của người dân, đồng thời lưu ý rằng nhà máy khử mặn tại phía Nam Gaza chỉ hoạt động ở mức 15% công suất.
Các tổ chức nhân đạo ước tính, khoảng 100.000 gia đình ở Gaza cần hỗ trợ về nơi trú ẩn, bao gồm lều để chống chọi với thời tiết mùa đông và nhiều vật dụng cần thiết khác. Kể từ khi xung đột bùng phát, các tổ chức này đã phân phát khoảng 40.000 chiếc lều và đang chuẩn bị thêm 28.000 chiếc.
Về tình hình chiến sự, giao tranh tiếp tục diễn ra trên khắp Gaza ngày 9-2. Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đã thực hiện một số cuộc không kích nhằm vào các nhóm chiến binh Hamas tấn công quân đội quốc gia này.
Theo Times of Israel, Lữ đoàn biệt kích hoạt động ở phía Tây thành phố Khan Younis đã tấn công các địa điểm của Hamas. Quân đội Israel xác nhận, máy bay không người lái của IDF đã phát hiện Hamas đặt thiết bị nổ gần lực lượng biệt kích nhưng kịp thời ngăn chặn.
Cũng ở phía tây Khan Younis, Lữ đoàn lính dù đã tiêu diệt khoảng 15 tay súng Hamas trong các cuộc đột kích vào những địa điểm của lực lượng này.
Gửi phản hồi
In bài viết