Toàn cảnh một phiên họp ĐHĐ LHQ về xung đột Israel - Hamas tại New York, Mỹ, ngày 7/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trước đó, vào tháng 4 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không thể thông qua dự thảo nghị quyết nhằm khuyến nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức phiên họp toàn thể để bỏ phiếu về đề xuất nâng tư cách quan sát viên của Palestine lên thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Quan sát viên thường trực của Palestine tại Liên hợp quốc bày tỏ hy vọng, Đại hội đồng sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an xem xét lại vấn đề nêu trên tại ESS-10.
Trong cuộc thảo luận với người đồng cấp Pháp Stephane Sejourne, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry nêu bật tầm quan trọng của việc công nhận Nhà nước Palestine với đường biên giới năm 1967, coi đây là một bước quan trọng tiến tới thành lập một Nhà nước Palestine độc lập và thực hiện giải pháp hai nhà nước. Hai nhà ngoại giao cũng phản đối mọi hoạt động quân sự trên bộ tại thành phố Rafah vì những rủi ro nhân đạo nghiêm trọng và các mối đe dọa đối với sự ổn định trong khu vực.
Nguy cơ căng thẳng leo thang
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant khẳng định, quân đội nước này đã sẵn sàng thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào được giao tại thành phố Rafah thuộc Dải Gaza. Tuyên bố được ông Gallant đưa ra sau cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, người có chuyến thăm Israel nhằm thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với phong trào Hamas tại Dải Gaza.
Mỹ tuyên bố phản đối kế hoạch của Israel tấn công thành phố Rafah, đồng thời đề xuất giải pháp đàm phán với Hamas. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken khẳng định, Washington không ủng hộ chiến dịch quân sự lớn vào Rafah nếu thiếu một kế hoạch hiệu quả trong đó bảo đảm dân thường không bị ảnh hưởng, đồng thời nêu rõ hiện chưa có kế hoạch nào đáp ứng điều kiện nêu trên.
Lực lượng Hamas nhấn mạnh, các cuộc đàm phán về việc ngừng bắn với Israel sẽ bị đình chỉ nếu Israel tấn công thành phố Rafah. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định sẽ tiến hành kế hoạch tấn công Rafah bất chấp sự phản đối của Mỹ và dù Hamas có chấp nhận đề xuất ngừng bắn đổi lấy việc thả con tin hay không.
Cơ quan quản lý cửa khẩu và biên giới ở Gaza cho biết, ngày 2/5, Israel đã trả tự do cho 64 người Palestine bị bắt giữ trong các chiến dịch quân sự mà Israel tiến hành. Trong khi đó, Hamas cho biết, một phái đoàn của phong trào này sẽ sớm tới Ai Cập để tiến hành thêm các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hối thúc tất cả các bên nỗ lực hướng tới thỏa thuận ngừng bắn và kiến tạo hòa bình lâu dài tại Gaza. Ông Ghebreyesus cho rằng, Israel sẽ gây ra một thảm họa nhân đạo nếu tiếp tục chiến dịch quân sự ở thành phố Rafah.
Đẩy mạnh hỗ trợ nhân đạo
Israel mở lại cửa khẩu Erez để tạo điều kiện cho các xe tải chở hàng viện trợ tiến vào Gaza. Động thái được đưa ra sau khi Mỹ yêu cầu Tel Aviv nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực này. Cửa khẩu Erez bị phá hủy khi lực lượng Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10 năm ngoái và đóng cửa từ đó đến nay.
Nguồn tin từ Dải Gaza cho biết, số lượng xe chở hàng viện trợ vào Gaza trong tháng 4 tăng nhẹ, đạt 164 xe/ngày, song vẫn thấp hơn nhiều so nhu cầu. Trong tháng 4 có tổng cộng 4.887 xe tải chở hàng vào Gaza, bao gồm 1.166 xe đi qua cửa khẩu Rafah nối với Ai Cập, phần còn lại đi qua cửa khẩu Kerem Abu nối với Israel. Tuy nhiên, chỉ có 8% số xe chở hàng viện trợ đến được miền bắc Gaza, nơi cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra nghiêm trọng.
Lầu năm góc cho biết, cầu tàu tạm thời được quân đội Mỹ xây dựng để tăng cường vận chuyển viện trợ nhân đạo đến Gaza đã hoàn thành hơn 50%. Kế hoạch xây dựng cầu tàu viện trợ dự kiến tốn ít nhất 320 triệu USD. Kế hoạch này được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hồi đầu tháng 3 vừa qua, khi Israel ngừng chuyển hàng hỗ trợ bằng đường bộ.
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cung cấp 3.780 gói thực phẩm dưới dạng viện trợ nhân đạo khẩn cấp nhằm cải thiện tình hình dinh dưỡng của người dân Gaza. Các gói thực phẩm được vận chuyển đến Gaza qua cửa khẩu biên giới Rafah. Đây là đợt cung cấp viện trợ lương thực khẩn cấp thứ 3 của Nhật Bản dành cho người dân Gaza. JICA cho biết, mỗi gói thực phẩm có thể nuôi một gia đình năm người trong một tuần.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, Gaza có thể sẽ vượt quá các ngưỡng báo động về nạn đói, mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng và tử vong do nạn đói ngay trong tháng 5 này. Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đã nhiều lần cảnh báo về một thảm họa nhân đạo nếu quân đội Israel tấn công Rafah, nơi trú ẩn cuối cùng của khoảng 1,4 triệu người Palestine trong tổng số 2,3 triệu dân của Gaza.
Theo thống kê của phía Palestine, sau gần bảy tháng xảy ra xung đột, 90% người dân tại Gaza phải sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Các cuộc tấn công của Israel đã phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng tại Gaza. Theo giới chức y tế tại Dải Gaza, xung đột Hamas-Israel đã khiến hơn 34.500 người Palestine thiệt mạng và hơn 77.800 người khác bị thương. Trong khi đó, phía Israel ghi nhận hơn 1.200 người thiệt mạng.
Gửi phản hồi
In bài viết