Các nước nhất trí Ðại hội đồng Liên hợp quốc họp khẩn về tình hình Ukraine. (Ảnh LIÊN HỢP QUỐC)
Phiên họp có sự tham gia của cả đại diện các cơ quan, tổ chức cứu trợ nhân đạo và tị nạn của Liên hợp quốc. Theo ước tính của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), giao tranh trong một tuần qua tại Ukraine đã khiến hàng trăm nghìn người phải chạy lánh nạn, chủ yếu tới Ba Lan, cùng một số nước như Moldova, Romania, Hungary và Slovakia.
Tăng hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) ngày 27/2 có cuộc trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (V.Dê-len-xki). Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo Liên hợp quốc cho biết, Liên hợp quốc sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine. Người phát ngôn Liên hợp quốc cho biết, dự kiến hôm nay (ngày 1/3), Liên hợp quốc sẽ phát động chương trình quyên góp viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Ước tính, Liên hợp quốc cần khoảng 1 tỷ USD để tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Ukraine trong ba tháng tới.
Tại cuộc họp bất thường ngày 27/2, các bộ trưởng nội vụ Liên minh châu Âu (EU) nhất trí sẵn sàng tiếp nhận người chạy nạn do xung đột ở Ukraine một cách nhanh chóng và đơn giản về thủ tục. Ðây là lần hiếm hoi tất cả các nước thành viên EU đạt đồng thuận về vấn đề tiếp nhận người tị nạn vào châu Âu. Dự kiến, tại cuộc họp ngày 3/3 tới, EU sẽ thảo luận về thủ tục tiếp nhận người tị nạn áp dụng chung tại tất cả các nước thành viên. Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề viện trợ nhân đạo, khoảng 18 triệu người Ukraine cần viện trợ nhân đạo và đây sẽ là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất châu Âu trong nhiều năm qua.
Nhiều nước châu Âu công bố kế hoạch tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine. Ðài phát thanh quốc tế Praha dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Séc Vit Rakusan cho biết, Chính phủ Séc sẵn sàng trợ giúp người tị nạn Ukraine và có khả năng tiếp nhận hàng nghìn người. Tổng thống Moldova tuyên bố "mở biên giới quốc gia" và hỗ trợ nhân đạo đối với người Ukraine. Hungary, Ba Lan cũng thông báo sẵn sàng đón người tị nạn Ukraine. UNHCR thảo luận với chính phủ các nước láng giềng của Ukraine về việc tiếp nhận những người phải tránh xung đột ở Ukraine. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi thiết lập "hành lang an toàn" để chuyển hỗ trợ y tế quan trọng đến Ukraine. G7 cũng cam kết tăng hỗ trợ nhân đạo cho người dân Ukraine.
Trong động thái hiếm hoi, các nước EU đồng thuận cung cấp vũ khí cho Ukraine. Sau cuộc họp khẩn trực tuyến ngày 27/2, Ðại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell thông báo, các bộ trưởng ngoại giao EU quyết định cung cấp vũ khí sát thương, hỗ trợ sát thương cho quân đội Ukraine, trị giá 450 triệu euro, cùng gói viện trợ vũ khí không sát thương, nhiên liệu và thiết bị bảo hộ, trị giá 50 triệu euro.
Tìm giải pháp giảm xung đột
Hãng tin Nga Sputnik cho biết, phái đoàn Ukraine đã tới Belarus để đàm phán với Nga trong ngày 28/2, một ngày sau khi Tổng thống Zelensky khẳng định sẽ "tận dụng mọi cơ hội để bảo đảm hòa bình cho Ukraine". Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, các phái đoàn Kiev và Moskva sẽ "đàm phán vô điều kiện" tại Belarus. Ðiện Kremlin cũng xác nhận kế hoạch đàm phán. Hãng thông tấn Belta của Belarus dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Belarus cho biết, Minsk đã sẵn sàng cho cuộc đàm phán Nga-Ukraine.
Trong khi đó, trong thông cáo báo chí đưa ra sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, kêu gọi Nga lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự, đồng thời rút ngay lực lượng vũ trang ra khỏi Ukraine. G7 cũng công bố các biện pháp trừng phạt và cảnh báo sẽ có các bước đi tiếp theo nếu Nga không chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine. Trước đó, EU cũng tuyên bố siết chặt các biện pháp trừng phạt và đóng cửa không phận đối với các máy bay của Nga.
Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga, ngày 28/2, Chính phủ Nga thông báo kế hoạch sơ tán công dân khỏi các nước EU, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đóng cửa không phận với các hãng hàng không Nga. Hãng tin Nga RIA Novosti dẫn nguồn tin Cơ quan Du lịch Nga cho biết, dự kiến người Nga tại châu Âu sẽ được đưa về nước qua các ngả Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập.
Trong bối cảnh các nước phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt tài chính cứng rắn mới chống Nga, gồm cả việc một số ngân hàng bị ngắt kết nối khỏi hệ thống liên ngân hàng SWIFT, Moskva công bố một loạt biện pháp nhằm giảm tác động. Ngân hàng Trung ương Nga khẳng định "vẫn có các nguồn lực cần thiết" để duy trì sự ổn định của lĩnh vực tài chính. Theo các hãng tin Bloomberg và AP, ngày 28/2, đồng nội tệ của Nga đã giảm khoảng 26%-27% giá trị.
Làm dịu lo ngại về nguồn cung năng lượng
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang khiến giá dầu không ngừng tăng, lên hơn 100 USD/thùng, mức cao chưa từng thấy trong hơn 7 năm qua. Các nhà nghiên cứu của Bank of America dự đoán giá dầu có thể tăng thêm 20 USD/thùng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang. Các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) dự kiến sẽ nhóm họp vào giữa tuần này để thảo luận việc nới lỏng hạn ngạch khai thác nhằm "hạ nhiệt" giá dầu thô trên thế giới.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CBS, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass (Ð.Man-pát) ngày 27/2 dự báo rằng, trong ngắn hạn, thị trường năng lượng toàn cầu phải đối mặt áp lực gia tăng do tình hình ở Ukraine, tuy nhiên thế giới có đủ nhà cung cấp năng lượng thay thế Nga trong vòng 5 năm tới. Theo Chủ tịch WB, Iran có tiềm năng hỗ trợ thị trường dầu mỏ, nếu đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân đạt tiến triển.
Saudi Arabia đã xác nhận cam kết đối với thỏa thuận của nhóm OPEC+. Theo hãng thông tấn SPA, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp ngày 27/2, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman khẳng định, Saudi Arabia quan tâm đến sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ cũng như giữ nguyên cam kết đối với thỏa thuận OPEC+.
Giám đốc điều hành của Sonatrach, công ty năng lượng quốc gia Algeria, ông Toufik Hakkar cho biết, Algeria sẵn sàng cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Transmed nối Algeria với Italia. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc vào lượng khí đốt dư thừa hoặc khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sau khi đáp ứng nhu cầu quốc gia và các hợp đồng đã ký kết trước đó ■
Gửi phản hồi
In bài viết