193 quốc gia thành viên ĐHĐ LHQ đã thông qua nghị quyết về AI.
Hiện, các quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng đang tiến hành xây dựng các quy định về AI.
Đa số thành viên ĐHĐ LHQ cho rằng, quản trị hệ thống AI là một lĩnh vực đang phát triển cần thảo luận thêm về các phương pháp khả thi. Các công ty công nghệ lớn thường ủng hộ nhu cầu quản lý AI, đồng thời vận động hành lang để đảm bảo mọi quy tắc đều có lợi cho họ.
Nghị quyết về AI sẽ giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, đồng thời đảm bảo tất cả các quốc gia đều có mặt trong các cuộc thảo luận về AI. Văn bản này cũng nhằm mục đích đảm bảo các nước đang phát triển có khả năng tận dụng lợi ích của AI, bao gồm phát hiện bệnh tật, dự đoán lũ lụt, giúp đỡ nông dân và đào tạo thế hệ công nhân tiếp theo.
Nghị quyết đã đưa ra cảnh báo chống lại những kế hoạch triển khai và sử dụng hệ thống AI không đúng, không có biện pháp bảo vệ đầy đủ hoặc độc hại, không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nhiệm vụ chính của nghị quyết là sử dụng AI để giúp thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển đang bị chậm lại của LHQ vào năm 2030, bao gồm chấm dứt nạn đói nghèo toàn cầu, cải thiện sức khỏe trên toàn thế giới, đảm bảo chất lượng giáo dục trung học cho tất cả trẻ em và đạt được bình đẳng giới.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, nghị quyết được thông qua là một “bước tiến lịch sử” trong việc thúc đẩy việc sử dụng AI một cách an toàn. Nghị quyết cũng thể hiện sự ủng hộ toàn cầu đối với bộ nguyên tắc cơ bản để phát triển và sử dụng AI, đồng thời sẽ vạch ra con đường tận dụng tốt các hệ thống AI trong khi quản lý rủi ro.
Nghị quyết nhằm đảm bảo công nghệ AI mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia, tôn trọng nhân quyền và an toàn, bảo mật.
Gửi phản hồi
In bài viết