Sự kiện diễn ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết và bàn giải pháp để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, phục hồi toàn diện ngành du lịch Việt Nam.
Trong hai ngày diễn ra sự kiện (8 và 9/8), các Sở quản lý du lịch, Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch, điểm đến sẽ giao thương, gặp gỡ, kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước và giữa ngành du lịch các nước với nhau.
Qua chương trình, các doanh nghiệp du lịch có thể giới thiệu các thế mạnh, sản phẩm du lịch đặc trưng của mình để chào bán, giới thiệu với các đối tác quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể gặp gỡ, trao đổi để cùng nhau đàm phán, định hướng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, bảo đảm an toàn cho du khách trong và ngoài nước khi trải nghiệm.
Sự kiện này cũng là dịp để các đơn vị du lịch đưa ra hàng nghìn voucher chào bán, tương tác, tri ân du khách ở 100 gian hàng đến từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore…
Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình liên kết, có hai hoạt động chuyên môn tầm cỡ quốc gia sẽ được diễn ra đó là: Diễn đàn lữ hành toàn quốc 2022 “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế” với chủ đề “Sản phẩm mới, Thị trường mới” và Hội thảo “Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn để phục hồi và phát triển Du lịch quốc tế ở Việt Nam”. Đây thật sự là những hoạt động thiết thực, góp phần phục vụ cho nhu cầu phục hồi du lịch quốc tế ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong 2 ngày diễn ra sự kiện, các công ty lữ hành, đơn vị du lịch trong nước cũng tung ra nhiều chương trình, ưu đãi giảm giá sâu tới 60% khi mua tour du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống…
Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm triển khai thực hiện chương trình phục hồi kinh tế-xã hội sau 2 năm thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19. Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực để phục hồi kinh tế; tạo tiền đề, nền tảng để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn 2023-2025, bảo đảm tốc độ tăng GRDP khoảng 8-8,5%/năm giai đoạn 2021-2025 như mục tiêu đã đề ra.
Trong đó, du lịch là ngành quan trọng trong nền kinh tế không chỉ bởi sự đóng góp của du lịch vào trong tổng thu kinh tế. Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong 7 tháng đầu năm 2022, du lịch Thành phố đã ghi dấu ấn đáng khích lệ khi đã đón khoảng 13,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và khoảng hơn 765 nghìn lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch ước đạt 60.379 tỷ đồng, tăng 57,82% so cùng kỳ năm 2021, đạt 75,5% so kế hoạch năm 2022. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế nêu trên vẫn còn rất “khiêm tốn” so trước đại dịch Covid-19 cũng như tiềm năng thu hút khách du lịch của thành phố.
“Do đó, bên cạnh việc ban hành các chủ trương, chính sách, chương trình phục hồi, phát triển du lịch; tập trung nâng chất và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn… Thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai thêm nhiều hoạt động, giải pháp đồng bộ cũng như sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, điển hình như sự kiện “Liên kết sức mạnh Du lịch Việt Nam” hôm nay. Tôi mong hoạt động này sẽ phát triển thành sự kiện thường niên của ngành du lịch Việt Nam”, bà Phan Thị Thắng cho biết.
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cho biết: “Trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta sẽ dành thời gian để cùng nhau trao đổi, cùng nhau lắng nghe và chia sẻ những thông tin. Trong đó, tìm những câu hỏi và trả lời về những điểm nghẽn, sau đó đánh giá lại trong thời gian vừa rồi, kể từ khi mở cửa hoàn toàn du lịch ngày 15/3, chúng ta đang ở đâu, chúng ta đạt được kết quả gì, khó những gì. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp cần lên tiếng về điều gì, để cơ quan tổng hợp, cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước xử lý theo thẩm quyền và báo cáo cấp cao hơn để kiến tạo các chính sách”.
Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam đang đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn khi mong muốn du lịch phát triển nhưng phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt với các nước trên thế giới, nhất là thị trường quốc tế của chúng ta chưa được khai thông, mở rộng.
“Chính vì thế chúng ta phải có hành động mới đó là liên kết để phát triển. Sự liên kết này phải đi vào thực chất. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc của Hiệp hội du lịch, của các địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp du lịch phải giữ vai trò kết nối với nhau, xây dựng trên mối quan hệ bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Có như thế du lịch mới phát triển bền vững”, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết