Khẳng định vai trò “cầu nối”
Được thành lập năm 1995, đến nay, Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang đã có sự phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh có 579 HTX và 43 tổ hợp tác hoạt động trên các lĩnh vực. Những năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các HTX; tuyên truyền, vận động phát triển HTX; đào đạo, bồi dưỡng cán bộ HTX; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về HTX; thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển HTX do Chính phủ và UBND tỉnh giao…
Ông Cao Hùng Dũng (bên phải) Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thăm dây chuyền sản xuất giầy xuất khẩu
HTX Quang Minh (Yên Sơn).
Ông Cao Hùng Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Đa phần các HTX trên địa bàn tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ; nhiều HTX hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, sức cạnh tranh của sản phẩm thấp, chưa quan tâm phát triển thị trường, thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; việc tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh còn chậm. Xác định rõ những khó khăn, hạn chế đó, những năm gần đây, Liên minh HTX tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX; tư vấn, hướng dẫn các HTX thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; hỗ trợ các HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm…
Liên minh HTX tỉnh trực tiếp tư vấn cho nhiều HTX về việc thành lập mới; tư vấn xây dựng điều lệ tổ chức hoạt động và triển khai các hoạt động liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Từ 2021 đến nay, Liên minh HTX tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 20 HTX ; hằng năm làm việc với Đảng uỷ, UBND và Hợp tác xã để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tổ chức và sản xuất kinh doanh; phối hợp với UBND Na Hang lựa chọn 2 HTX cho Dự án hỗ trợ con giống của Viện Khoa học và Môi trường, Liên minh hợp tác xã Việt Nam; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, triển khai công tác khảo sát đối với các hợp tác xã, hộ gia đình và hộ kinh doanh trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Chiêm Hoá, Yên Sơn, Sơn Dương, Na Hang và Lâm Bình; tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm và tổ chức lễ ký kết hợp đồng đại lý bao tiêu sản phẩm cho 26 HTX, Tổ hợp tác với 1 HTX phân phối, bán lẻ; hỗ trợ 1 HTX thương mại điện tử kết nối, xây dựng chương trình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của 15 HTX, Tổ hợp tác qua các kênh mạng xã hội.
Thành viên HTX Nông nghiệp xanh Yên Lâm (Hàm Yên) trồng cam theo hướng hữu cơ.
Cùng với đó, hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn 120 cho từ 3-5 HTX/năm với tổng số tiền quay vòng 840 triệu đồng cho HTX vay để tạo điều kiện tạo cho người lao động mua máy móc, công cụ, xây dựng nhà kho, mua giống cây con phát triển sản xuất kinh doanh góp phần nâng cao thu nhập. Hàng năm Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn các HTX tiếp cận với nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển Việt Nam, hện nay có 3 HTX vay gần 2 tỷ đồng; phối hợp với Viện phát triển Kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam, Trung tâm khuyến công hỗ trợ cho các HTX về máy móc, thiết bị sản xuất 2 HTX nông nghiệp hữu cơ Tuyên Quang và Hợp tác xã nông lâm nghiệp Sơn Thịnh đã triển khai thực hiện với tổng số tiền 635 triệu đồng.
Phát triển đa dạng dịch vụ Hợp tác xã
Toàn tỉnh hiện có 579 HTX đăng ký hoạt động với tổng số vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng; số thành viên tham gia vào HTX là 11.739 người. Trong đó có 112 HTX tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với 153 sản phẩm và được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Hiện nay, đa số các HTX đều trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng của đại dịch. Trong đó, một số HTX đã hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị; nhiều HTX đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh để bắt kịp xu hướng phát triển…
HTX chè Quang Minh trải qua 20 năm đã phát triển đa dịch vụ từ sản xuất chè đen xuất khẩu, làm gỗ băm, sản xuất giày thể thao xuất khẩu. Giám đốc HTX chè Quang Minh Phạm Đình Huỳnh cho biết, HTX bắt buộc phải “lột xác” để thích ứng với thời cuộc. Từ năm 2019, do dịch Covid 19 thị trường xuất khẩu chè đen hẹp, giá lại thấp nên không có lợi nhuận mà chỉ làm để giữ nghề, giữ vùng nguyên liệu 30 ha, và trên 1.000 hộ gia đình trồng chè, việc làm cho người lao động. Đồng thời, HTX tìm thêm hướng phát triển thêm dịch vụ, liên kết với Công ty TNHH J-STAR VINA Tuyên Quang đầu tư nhà máy sản xuất giày da tại xã Tứ Quận (thị trấn Yên Sơn) với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, quy mô nhà xưởng 6.000 m2. Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng, hình ảnh những công nhân với đôi tay thoăt thoắt điều kiện máy móc, ông Huỳnh vui mừng nói: "Nhà máy sản xuất giày da của HTX có trên 600 lao động là hội viên và con em nông dân. Mới đưa vào sản xuất từ tháng 2-2023, thu nhập của công nhân làm tại nhà máy đã đạt từ 7- 9 triệu đồng/tháng. Dự kiến thời gian tới HTX sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất tạo việc làm cho trên 1.000 công nhân.
Năng động, linh hoạt, phát triển đa dạng dịch vụ HTX Minh Quang đã ngày càng phát triển, thu nhập năm 2022 đạt 25 tỷ đồng, cá nhân ông Phạm Đình Huỳnh là 1 trong 100 nông dân Việt Nam tiêu biểu năm 2023.
Ông Cao Hùng Dũng (áo trắng) Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh trao đổi với lãnh đạo HTX Quang Minh (Yên Sơn)
Cùng với các HTX phát triển đa dịch vụ thì có nhiều HTX đã thay đổi công nghệ, ứng dụng nghệ cao vào sản xuất, sản xuất theo chuỗi, ngành hàng kinh doanh dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Điển hình như HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành; HTX nông sản sạch Sáng Nhung, xã Đông Thọ, chè hữu cơ Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương); HTX chè 168, HTX chè Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên); HTX chè đặc sản hữu cơ Ngọc Thúy, phường Phú Lâm (TP Tuyên Quang); HTX chè Shan tuyết hồng Thái (Na Hang)…
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định song trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó tỷ lệ HTX hoạt động trung bình, yếu còn cao nên thời gian tới, rất cần Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò, triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho HTX. Qua đó, giúp các HTX trên địa bàn tỉnh từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung trên địa bàn.
Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có trên 600 hợp tác xã, với trên 12.800 thành viên; có trên 100 tổ hợp tác, với trên 300 thành viên, khuyến khích các tổ hợp tác đủ điều kiện thành lập hợp tác xã. Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên trên tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu trên 50% hợp tác xã nông nghiệp có hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, 100% hợp tác xã tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã…
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cao Hùng Dũng khẳng định: Để đạt mục tiêu trên, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, tích cực đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao vai trò tư vấn, hướng dẫn cho HTX; cung ứng các dịch vụ cho HTX và liên kết với các đơn vị sử dụng nền tảng mạng xã hội, giúp hàng hóa của HTX tiếp cận đa dạng thị trường. Đồng thời, xây dựng các chương trình hoạt động đáp ứng yêu cầu của HTX, tạo niềm tin, chỗ dựa vững cho cho các HTX phát triển.
Với sự chủ động đưa chính sách đến với HTX, Liên minh HTX tỉnh đã và đang tốt vai trò dẫn dắt, giúp đỡ tạo động lực để các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đổi mới, phát triển, tạo việc làm cho người lao động, góp sức xóa nghèo, làm giàu trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết