Theo đó, cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng. Cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, gây ra thiệt hại nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, sẽ được áp dụng biện pháp bảo vệ.
Nghị định cũng quy định rõ những việc không được làm và quy định nhiều hình thức khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm.
Nhìn lại thời gian qua, tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực; khiến cho việc giải quyết nhiều công việc của người dân, doanh nghiệp bị đình trệ; làm kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước.
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: "Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo "đập đi, hò đứng" không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng". Người cũng khẳng định "Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm".
Từ tháng 9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách.
Tháng 7 vừa qua, Tỉnh ủy Tuyên Quang cũng đã ban hành Quy định tạm thời về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi khi thấy Đảng, Chính phủ và địa phương đều đã có văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Hy vọng đây sẽ là liều thuốc hữu hiệu để chữa bệnh né trách nhiệm, sợ sai, tạo nên những giá trị, hiệu quả thiết thực, những chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Gửi phản hồi
In bài viết