Maroc làm nên lịch sử khi lần đầu tiên tiến vào tứ kết một kỳ World Cup. (Ảnh: FIFA)
Với vị trí nhì bảng E, Tây Ban Nha phải đụng đối thủ đáng gờm là Maroc ngay vòng 1/8. Không hề đơn giản khi đoàn quân của huấn luyện viên Walid Regragui đã vượt qua cả “thế hệ vàng” của Bỉ và đương kim á quân Croatia để giành được ngôi nhất bảng F với 7 điểm chung cuộc, qua đó hiên ngang đoạt tấm vé vào vòng loại trực tiếp đối đầu Tây Ban Nha.
Đây là lần thứ hai Tây Ban Nha và Maroc gặp nhau ở World Cup. Trước đó, tại vòng bảng World Cup 2018, hai đội hòa nhau 2-2.
Có thể Maroc bị đánh giá yếu hơn đại diện châu Âu nhưng với tư cách là đội bóng châu Phi cuối cùng còn thi đấu ở vòng loại trực tiếp ở World Cup năm nay, chắc chắn Maroc sẽ quyết tâm thi đấu để hướng đến một bất ngờ.
Với ưu thế vượt trội về cả lối chơi và con người, không có gì ngạc nhiên khi Tây Ban Nha khởi đầu trận đấu trên sân Education City với thế trận tấn công ngay từ đầu. Tuy nhiên, nhà cựu vô địch World Cup lại vấp phải hàng phòng ngự nhiều tầng chơi rất kín kẽ của Maroc.
Gavi bay người để tranh bóng trong pha tranh chấp với Boufal. (Ảnh: FIFA)
Đội bóng Bắc Phi chủ động kéo rất thấp đội hình để ngăn cản các pha phối hợp tiki-taka nhuần nhuyễn đã thành thương hiệu của đối thủ. Chính vì thế, dù vượt trội về thời lượng kiểm soát bóng, Tây Ban Nha vẫn chưa thể thâm nhập quá gần cầu môn đối phương khi Maroc đá áp sát và không ngần ngại phạm lỗi.
Sau khoảng 20 phút thi đấu, Tây Ban Nha cầm bóng lên tới 72%, nhưng vẫn chưa dứt điểm được lần nào. Dẫu vậy, La Roja vẫn kiên trì với lối đá bóng ngắn và áp đặt thế trận của mình. Chính cách vây ráp này đã giúp Tây Ban Nha đoạt được bóng từ tình huống thủ thành Bono bên phía Maroc chuyền lỗi ở phút 25. Nhờ vậy, số 9 Gavi thoải mái thực hiện cú đặt lòng trong chân phải đưa bóng dội xà ngang, và cú đá bồi sau đó của Ferran Torres cũng không thành công. Dẫu vậy, trọng tài biên đã căng cờ báo lỗi việt vị của Ferran Torres từ trước khi Gavi dứt điểm.
Sau đó không lâu, Alba từ cánh trái thực hiện đường chuyền dài cho Asensio bứt phá rồi thâm nhập vào khu vực 16m50. Tiền đạo thuộc biên chế Real Madrid dốc bóng tới gần đáy biên rồi mới quyết định sút nhưng bóng chỉ trúng vào cạnh lưới.
Asensio dứt điểm trúng cạnh lưới khung thành Maroc. (Ảnh: FIFA)
Dù lép vế về kiểm soát bóng, Maroc vẫn cho thấy vì sao họ vào được đến vòng 1/8. Đội bóng Bắc Phi tập trung phòng ngự kín kẽ nhưng chuyển đổi trạng thái rất nhanh sang tấn công mỗi khi có cơ hội phản công. Trong 1 tình huống dâng cao như vậy ở phút 32, hậu vệ trái Mazraoui nhận bóng ngay trước vòng 16m50 và nhanh chân sút xa, khiến thủ thành Unai Simon phải khá vất vả mới bắt gọn được trái bóng.
Thời điểm gần cuối hiệp 1, khi Tây Ban Nha vẫn đang mải mê tấn công nhưng hầu như không tạo ra nguy hiểm, Maroc tận dụng rất tốt các sơ hở ở hàng phòng ngự đối thủ để đe dọa cầu môn của Unai Simon. Từ một pha phá bóng bất cẩn của Rodri phút 42, Maroc phối hợp đánh biên khá tốt khi Boufal treo bóng vào vùng cấm để trung vệ Nayef Aguerd chạy chỗ đánh đầu lái bóng vào góc cao khung thành. Tiếc là trái bóng đi cao hơn xà ngang một chút, nếu không rất có thể tỷ số đã được mở cho Maroc.
Tây Ban Nha (áo xanh) kiểm soát thế trận nhưng bế tắc trước hệ thống phòng ngự đa tầng của Maroc. (Ảnh: FIFA)
Đây cũng là tình huống nguy hiểm cuối cùng của hiệp 1. Hai đội tạm nghỉ với tỷ số hòa 0-0 phản ánh đúng thế trận như đã qua.
Sang hiệp 2, Tây Ban Nha vẫn là đội chiếm ưu thế, những cũng giống như 45 phút đầu tiên, họ vẫn bế tắc trong việc xuyên thủng hàng thủ Maroc thi đấu rất tập trung và bọc lót cho nhau khá tốt.
Hòng tạo ra khác biệt, huấn luyện viên Luis Enrique buộc phải làm mới hàng công Tây Ban Nha bằng những thay đổi nhân sự, trong đó đáng chú ý là "quân bài tẩy" Alvaro Morata vào thay Asensio. Đội bóng châu Âu tiếp tục ép sân toàn diện, bóng phần lớn chỉ lăn trên phần sân của Maroc nhưng các cơ hội cứ lần lượt trôi qua mũi giày các chân sút áo xanh.
Trong khi đó, huấn luyện viên Walid Regragui cũng thay đến 4 vị trí trong đội hình Maroc chỉ trong vài phút gần cuối trận khi một số vị trí đã tỏ ra thấm mệt - một trận đấu hoạt động hết công suất của hàng thủ đội bóng châu Phi.
Morocco phòng ngự rất chắc chắn, ngăn cản hầu hết nỗ lực lên bóng của Tây Ban Nha. (Ảnh: FIFA)
Hiệp 2 kết thúc mà vẫn chưa bên nào ghi được bàn thắng, đồng nghĩa 2 đội phải kéo nhau vào 30 phút hiệp phụ. Sau trận Nhật Bản gặp Croatia cách đây 2 ngày, đây là lần thứ hai ở vòng loại trực tiếp World Cup năm nay phải đá hiệp phụ.
Trong 2 hiệp chính, Tây Ban Nha cầm bóng 75%, dứt điểm cả thảy 7 lần, nhưng chỉ 1 lần trúng hướng cầu môn, đủ để cho thấy họ đã vấp phải đối thủ khó chịu với lối đá phòng ngự kín kẽ thế nào.
Bước sang hiệp phụ đầu tiên, Tây Ban Nha vẫn kiên trì tấn công vì không muốn bước vào loạt “đấu súng” may rủi trên chấm 11m. Nhưng khi dâng cao, hàng thủ đội bóng châu Âu tất yếu bộc lộ khoảng trống. Đến phút 104, suýt chút nữa Maroc đã làm nên một cú sốc nữa ở World Cup 2022, khi Walid Cheddira xử lý rồi dứt điểm chân trái ở cự ly chưa đến 10m, tiếc rằng dù Cheddira đã đánh lừa được Simon nhưng thủ môn Tây Ban Nha vẫn kịp dùng chân cản phá.
Cheddira bỏ lỡ cơ hội quý giá để ghi bàn cho Maroc. (Ảnh: FIFA)
Chưa dừng lại ở đây, đến phút 115 trong hiệp phụ thứ hai, người hâm mộ Tây Ban Nha lại phải thót tim với pha Cheddira tăng tốc bứt phá từ giữa sân xộc thẳng vào khu vực cấm địa của đội bóng áo xanh, nhưng tiền đạo này sau đó lại tỏ ra quá vụng về và chậm chạp nên đã bỏ lỡ cơ hội dứt điểm.
Phút 120+2’, đến lượt các cổ động viên Maroc thót tim sau đường tạt bóng của Torres, khiến Yamiq bay người cản phá nhưng lại suýt phản lưới nhà.
Ở phút bù giờ cuối cùng, Tây Ban Nha gần như đã đưa được bóng vào lưới Maroc, song pha đệm bóng cận thành của Sarabia lại đưa bóng chạm cột trong sự tiếc nuối của người hâm mộ Tây Ban Nha.
Hết 2 hiệp phụ, tỷ số 0-0 vẫn không thay đổi, đồng nghĩa 2 bên sẽ phải kéo nhau vào màn đá luân lưu 11m để phân định suất vào tứ kết.
Lần thứ hai ở vòng 1/8 World Cup năm nay, các đội phải phân định suất tứ kết trên chấm luân lưu cân não. (Ảnh: FIFA)
Maroc là đội thực hiện trước. Trong lượt sút đầu tiên, Abdelhamid Sabiri đánh lừa Simon thành công, song Sarabia lại đá hỏng, đưa bóng chạm cột. Maroc dẫn trước 1-0.
Ở 2 lượt trận tiếp theo, áp lực quá lớn đã khiến lần lượt Soler và cả tiền vệ kỳ cựu Sergio Busquets đều đá hỏng cho Tây Ban Nha. Bounou chính là người hùng của Maroc khi đều cản phá thành công 2 lượt sút này. Trong khi đó, chỉ 1 mình Benoun thực hiện không thành công cho Maroc. Đội bóng châu Phi dẫn luân lưu 2-0.
Bounou là người hùng của Maroc khi cản phá được những pha luân lưu quan trọng bên phía Tây Ban Nha. (Ảnh: FIFA)
Ở lượt sút quyết định, Hakimi quá tự tin khi thực hiện cú đá panenka để giúp Maroc thắng luân lưu 3-0 và giành vé vào tứ kết - thời khắc lịch sử của bóng đá nước này khi đây là lần đầu tiên Maroc lọt vào tứ kết một kỳ World Cup.
Như vậy, với toan tính chiến thuật đem lại hiệu quả ngoài mong đợi, Maroc đã vượt qua ngọn núi lớn mang tên Tây Ban Nha trong cuộc đọ sức căng thẳng kéo dài đến tận trên chấm luân lưu. Đây là kết quả hoàn toàn xứng đáng cho những nỗ lực của đội bóng châu Phi. Về phần La Roja, không thể tìm cách vượt qua hàng thủ nhiều tầng của Maroc, Tây Ban Nha đành ngậm ngùi về nước mặc cho từng khởi đầu giải đấu bằng chiến thắng tưng bừng 7-0.
Đối thủ tiếp theo của Maroc ở tứ kết sẽ được xác định sau trận đấu cuối cùng của vòng 1/8 giữa Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ diễn ra vào lúc 2 giờ sáng 7/12.
Gửi phản hồi
In bài viết