Cảng container quốc tế Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng do Công ty TNHH Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) quản lý và vận hành. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Theo Báo cáo logistics Việt Nam 2022, logistics xanh là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện với môi trường, giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực, từ đó đạt tới sự cân bằng bền vững giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.
Gặp nhiều thách thức
Hướng tới mục tiêu phát triển logistics xanh, trong quá trình vận hành, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã cho áp dụng mô hình “bưu cục di động”. Các “bưu cục di động” này được thiết kế trên xe tải, được ứng dụng công nghệ chia sẻ dữ liệu để kết nối giữa các bưu cục với nhau cũng như bưu tá với bưu cục.
Hàng hóa của người gửi sẽ được chia chọn, phân tuyến trực tiếp ngay trên xe và thực hiện quy trình xuất nhập kho qua ứng dụng di động để nhanh chóng xử lý các công đoạn tiếp theo. Với mô hình này, Viettel Post đã cắt giảm được các khâu trung gian, giảm 15% quãng đường vận chuyển và số lượng xe trung chuyển. Nhờ đó, hạn chế tần suất hoạt động của xe, giảm lượng khí thải ra môi trường; đồng thời, hạn chế luân chuyển hàng hóa giúp tối giản việc bọc các lớp nilon chống sốc cho bưu phẩm, giảm lượng chất thải ra môi trường.
Tại Việt Nam hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhận thức được vai trò logistics xanh trong phát triển bền vững để có định hướng thúc đẩy các hoạt động này. Theo khảo sát của Ban Biên tập “Báo cáo logistics Việt Nam 2022”, có tới 73,2% số doanh nghiệp được hỏi cho biết logistics xanh đã được đưa vào trong chiến lược kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng có tới 66,2% số doanh nghiệp logistics chưa có hệ thống quản lý môi trường đạt tiêu chuẩn, cộng thêm các thách thức nội tại như khả năng về tài chính, cách thức tổ chức quản lý hay năng lực khai thác năng lượng xanh,… đang ảnh hưởng khiến việc triển khai hệ thống logistics xanh tại doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, theo phản ánh của doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng logistics tại Việt Nam mặc dù đã được đầu tư nhưng chưa đủ hiện đại và đồng bộ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch triển khai và hiệu quả thực hiện các giải pháp logistics xanh của doanh nghiệp.
Đơn cử, số lượng các phương tiện vận tải quá nhiều, trong khi năng lực của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải còn yếu, tất yếu dẫn đến ùn tắc. Khi ùn tắc xảy ra, các phương tiện vận tải dừng lại trên đường và vẫn tiêu thụ năng lượng, dẫn tới việc sử dụng không hiệu quả nhiên liệu cũng như thải lượng khí thải nhiều hơn ra môi trường.
Ngoài ra, với hiện trạng cơ sở vật chất và tài chính hiện tại, phần lớn doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng chưa thể triển khai ngay những công cụ quản lý hay các yếu tố công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ cũng đang trở thành thách thức lớn tác động tới phát triển logistics xanh tại doanh nghiệp.
Xu hướng tất yếu
Trong bối cảnh khách hàng ngày càng quan tâm đến hàng hoá, dịch vụ thân thiện với môi trường, việc phát triển logistics xanh đang trở thành xu hướng tất yếu. Hiện nhiều doanh nghiệp logistics toàn cầu khi thuê ngoài dịch vụ cũng yêu cầu tiêu chuẩn khí thải đối với các doanh nghiệp logistics thứ ba. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức về vai trò phát triển logistics xanh trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc thực hiện tốt hoạt động logistics xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Các chuyên gia kiến nghị, đối với các doanh nghiệp chưa có mục tiêu phát triển logistics xanh trong chiến lược kinh doanh cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay. Đối với các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư hay thậm chí xác định mục tiêu phát triển logistics xanh, cần thường xuyên rà soát các nội dung chiến lược và tình hình thực hiện để có điều chỉnh phù hợp, đúng thực tiễn.
Theo đó, dưới áp lực của hệ thống cơ sở hạ tầng logistics hiện tại, các doanh nghiệp cần thay đổi phương tiện vận tải cho phù hợp cơ sở hạ tầng sẵn có; ưu tiên chuyển sang sử dụng các phương tiện vận tải mới, thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp cũng cần chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động để thúc đẩy sự phát triển sạch và hiệu quả, thí dụ như sử dụng công nghệ GPS quản lý thông tin, định vị trong vận tải; tăng cường phát triển công nghệ lạnh trong quản lý kho bãi nhằm giải quyết các vấn đề kỹ thuật và thiết bị liên quan đến bảo quản nhiệt, lạnh và tiết kiệm năng lượng cho hệ thống kho bãi;…
Theo khảo sát, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay để thực hiện “xanh hóa” logistics là vấn đề tài chính. Vậy nên các doanh nghiệp cần tranh thủ sự ủng hộ, khuyến khích, ưu đãi của Nhà nước và các tổ chức để tận dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, vận hành và vận tải. Ở chiều ngược lại, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần xem xét có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh; sử dụng cơ chế về thuế và luật để tạo động lực, giảm chi phí cho doanh nghiệp như khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ (không phải xăng dầu), thúc đẩy thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín dụng carbon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính,… Bên cạnh đó, cần quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm xanh hóa các hoạt động logistics, tiếp tục cải tiến cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức.
Quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh, tránh chồng chéo giữa các cơ quan bộ, ngành; nhất là các quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, điều chỉnh phát thải khí thải, hạn chế lượng khí CO2 từ các phương tiện vận tải để thúc đẩy doanh nghiệp lựa chọn các phương tiện đạt tiêu chuẩn về phát thải và tiếng ồn.
Cùng với đó là một loạt các quy định, chính sách khác như quy định về bằng cấp, chứng chỉ đào tạo bắt buộc cho người điều khiển phương tiện về tiết kiệm năng lượng, an toàn và xanh hóa môi trường; chính sách quy định về bao bì xanh, rác thải xanh đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh kho hàng. Nếu không có các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường, việc doanh nghiệp tự giác triển khai logistics xanh sẽ khó thực hiện vì họ thường ưu tiên các biện pháp tối ưu nguồn doanh thu hơn là phương án thân thiện với môi trường.
Gửi phản hồi
In bài viết