PGS.TS Nguyễn Thị Trang, Trường Đại học Y Hà Nội trình bày đề tài “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị một số bệnh di truyền thường gặp tại Việt Nam”.
Nâng chất lượng khám, chữa bệnh
AI dẫn đầu xu thế ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế, hỗ trợ đưa ra các quyết định lâm sàng. Trong phẫu thuật chỉnh hình, AI đang mang lại tiến bộ vượt bậc, giúp các y, bác sĩ thực hiện những kỹ thuật khó, làm giảm thời gian điều trị cho bệnh nhân.
Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức Nguyễn Mạnh Khánh cho hay, AI được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cho độ chính xác cao giúp người bệnh ít đau đớn, chi phí giảm và nhanh chóng bình phục. Ngoài ra, AI cũng giúp cá thể hóa việc điều trị cho từng bệnh nhân. Ví dụ trong thay khớp, AI hỗ trợ bác sĩ tính toán, thiết kế đặc thù cho mỗi người bệnh với chiều cao, độ tuổi, giới tính, tổn thương riêng biệt…
Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cũng đã nghiên cứu ứng dụng AI giúp phát hiện sớm ung thư xương tiềm ẩn hoặc tổn thương dây chằng, tổn thương không đặc hiệu...
Thông tin về ứng dụng AI trong sàng lọc và chẩn đoán các bệnh liên quan tới gene, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, với sự phát triển của khoa học máy tính dữ liệu lớn, nhiều ứng dụng học máy và AI được đưa vào lĩnh vực y tế như ứng dụng AI trong y học cá thể. Đây là vấn đề nghiên cứu nóng, cung cấp dịch vụ tốt hơn dựa trên dữ liệu sức khỏe cá nhân với phân tích dự đoán.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang, hiện nay, các phương pháp học máy đang được sử dụng phát hiện, phân loại khối u. Ngoài ra, học sâu (deep learning) đóng vai trò quan trọng trong phát hiện ung thư khi có thể truy cập vào nguồn dữ liệu có sẵn. Ngoài ung thư, ứng dụng còn chẩn đoán tim mạch, phát hiện tiểu đường giai đoạn sớm, dự báo diễn tiến bệnh gan. Một ứng dụng thiết thực khác của học máy là tạo ra bác sĩ chẩn đoán hình ảnh ảo. Không phải địa phương nào cũng có bác sĩ chẩn đoán hình ảnh với dữ liệu lớn về hình ảnh X-quang, CT, MRI bằng các thuật toán dựa trên học máy sẽ giúp đọc kết quả nhanh hơn, chính xác hơn.
Ứng dụng AI trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí
Hiện nay, AI đang được đánh giá là giải pháp đầy tiềm năng hỗ trợ ngành Dầu khí trong việc tìm kiếm, thăm dò các mỏ dầu mới, cũng như tăng hiệu quả trong việc khai thác các mỏ hiện có.
Theo Tiến sĩ Doãn Ngọc San, chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng hệ thống AI tích hợp dữ liệu địa chất dầu khí đánh giá triển vọng dầu khí”, trước đây, đã có nhiều công trình nghiên cứu bằng toán học truyền thống nhằm xác lập các mối quan hệ dầu khí - môi trường địa chất nhưng ít hiệu quả. Trong khi đó, hệ thống AI có khả năng phát hiện các mối liên kết ẩn giữa các lớp thông tin và dự đoán sự kiện/quá trình trên cơ sở các dữ liệu lớn không tường minh, tản mạn và rời rạc với nhiều quy luật xác suất thống kê và đa dạng (số hóa và mô tả ngữ nghĩa) nên có thể có khả năng khắc phục được các nhược điểm của phương pháp tính toán truyền thống.
Trong việc dự báo phân bố các yếu tố hệ thống dầu khí, hệ thống AI do Tiến sĩ Doãn Ngọc San và nhóm nghiên cứu xây dựng có khả năng rút ngắn thời gian xây dựng mô hình bằng cách huấn luyện mạng học máy/học sâu bằng các “mẫu học”, rồi từ đó nhận dạng khoanh vùng các yếu tố của hệ thống dầu khí.
Ứng dụng phương pháp nêu trên, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài đã định vị các vỉa sản phẩm theo 44 “mẫu vỉa” đã phát hiện, ngoài ra còn xác định thêm được một số vị trí vỉa dầu khí mới. Vị trí vỉa sản phẩm dự báo phù hợp với kết quả dự báo theo phương pháp truyền thống.
Bên cạnh đó, đề tài đã tiến hành xác định nhóm (bộ) thuộc tính đặc trưng của các vỉa đã biết và sử dụng các nhóm thuộc tính này để xác định vị trí có thể tồn tại vỉa dầu khí. Đây là một hướng tiếp cận mới trong điều kiện tìm kiếm, thăm dò khó khăn hiện nay, tận dụng các số liệu khảo sát đã có, các vỉa đã biết để phát hiện trực tiếp vị trí có khả năng tồn tại vỉa dầu khí.
Đây là đề tài đầu tiên được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Trường Đại học Dầu khí Việt Nam thực hiện trong Chương trình trọng điểm quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” và cũng là đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên về ứng dụng AI trong đánh giá triển vọng dầu khí. Thành công của đề tài mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Bên cạnh đó, đề tài đóng góp nhiều thuật toán tích hợp số liệu địa chất - địa vật lý tìm kiếm thăm dò dầu khí, các module và phần mềm hệ thống AI.
Đối với thực tế sản xuất, việc ứng dụng hệ thống AI tích hợp cơ sở dữ liệu địa chất - dầu khí đã giúp tăng độ chính xác, tính khách quan, nâng cao hiệu quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, hướng tới sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí trong nước.
Gửi phản hồi
In bài viết