Long An phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn

Để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Long An đang tập trung thực hiện có hiệu quả chủ trương, Nghị quyết của Đảng đối với ngành du lịch là “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”. Theo đó, tối ngày 27/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An long trọng tổ chức khai mạc Tuần Văn hóa-Thể thao-Du lịch năm 2024 với chủ đề “Khát vọng sông Vàm”.

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ; Ngài Shin Choong Il, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh; doanh nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội, tổ chức và người dân đến dự.

Long An là địa phương giao thoa giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long, giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh, nằm trên tuyến du lịch và chuỗi đô thị quốc gia: Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ; kết nối với Vương quốc Campuchia và Cảng biển quốc tế Long An.

Làng nổi Tân Lập, một địa điểm du lịch nối liền với dòng sông Vàm Cỏ.

Trong quá trình hình thành và phát triển, các thế hệ người dân Long An đã gây dựng nên một bề dày truyền thống lịch sử-văn hóa quý báu đó là: Di tích khảo cổ Bình Tả thuộc nền văn hóa Óc Eo, Di tích An Sơn của người cổ có niên đại 4.000-2.500 năm trước Công nguyên đã trường tồn song hành với gần 130 di tích lịch sử-văn hóa, trên 400 lễ hội còn duy trì và phát triển đến nay.

Cùng với Bạc Liêu, Long An tự hào là một trong những “chiếc nôi” của bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.

Lễ hội Làm Chay đã trở thành truyền thống của người dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An, rất đông du khách tham dự hằng năm.

Về điều kiện tự nhiên, dòng sông Vàm Cỏ là chứng tích của những chiến công oanh liệt, oai hùng của một Long An “Trung dũng, kiên cường” trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm; là nguồn cảm hứng bất tận đi vào thơ ca, nhạc họa thời kháng chiến.

Đây cũng chính là lý do, Long An chọn “Khát vọng sông Vàm” làm chủ đề của sự kiện “Tuần Văn hóa-Thể thao-Du lịch Long An năm 2024”.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết, ngành du lịch Long An đã có bước chuyển mình đổi mới, đã xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng là “Sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười và dịch vụ vui chơi giải trí”, thu hút ngày càng nhiều khách tham quan, đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Sự kiện Tuần Văn hóa-Thể thao-Du lịch năm 2024 diễn ra từ ngày 27/11 đến hết ngày 4/12 là minh chứng cho quyết tâm và cam kết của chính quyền về phát huy vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, du lịch phát triển với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Với chuỗi 10 hoạt động đa dạng, phong phú cùng thông điệp “Du lịch Long An an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, kết hợp không gian giới thiệu văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của các địa phương Hàn Quốc là cơ hội cho các doanh nghiệp, các địa phương liên kết, hợp tác phát triển, quảng bá thương hiệu, sản phẩm; đồng thời, tăng cường sự gắn kết, giao lưu nhân dân giữa tỉnh Long An với các địa phương, đối tác Hàn Quốc.

Đây cũng là dịp để thể hiện hình ảnh “Người Long An văn minh, hiếu khách, lịch thiệp và nghĩa tình’’, “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”, góp phần tạo điều kiện mở rộng giao lưu, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, đưa hình ảnh của Long An đến gần hơn với du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chúng ta giao lưu, chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa đặc sắc, hiện đại của nước bạn Hàn Quốc.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục