Một buổi biểu diễn của các nghệ sĩ trẻ Đoàn Thể nghiệm thuộc Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Những dấu ấn mới
Cuộc thi Tài năng diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2023, gồm cuộc thi Tài năng diễn viên tuồng, dân ca kịch toàn quốc và Tài năng diễn viên chèo toàn quốc - 2023 tổ chức nối tiếp, vừa khép lại sau hơn 10 ngày thi tài sôi nổi tại tỉnh Thanh Hóa. Cuộc thi có sự tham gia của 73 diễn viên chèo thuộc 14 đơn vị nghệ thuật và 42 diễn viên tuồng, dân ca kịch thuộc 9 đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Khác những lần thi trước chỉ dành cho các tài năng trẻ, hai cuộc thi này không giới hạn độ tuổi. Đây có thể coi là cuộc tổng động viên lực lượng biểu diễn các loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, dân ca kịch, qua đó thấy được thực trạng lớp nghệ sĩ của nghệ thuật truyền thống hiện nay.
Là nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Chèo Hà Nội, Thúy Nga mạnh dạn đảm nhiệm vai diễn nhân vật Châu Long trong vở chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ” tham gia cuộc thi. Ngoại hình ưa nhìn, giọng hát hay, cảm thụ nhân vật tốt, Thúy Nga đã thực hiện trọn vẹn vai diễn và giành giải Nghệ sĩ triển vọng. Cũng thuộc lứa diễn viên mới ra trường của Nhà hát Chèo Hà Nội, nghệ sĩ Quốc Hưng chọn vai Cả Sứt trong vở “Kim Nham” để thể hiện tài năng. Quốc Hưng đã nhận được sự hưởng ứng bằng những tiếng cười, tiếng vỗ tay của khán giả, đồng thời nhận giải Nhì cuộc thi. Còn nghệ sĩ Trần Thị Thùy Trang, từng 10 năm gắn bó với Nhà hát Chèo Việt Nam, tự tin thể hiện vai Thị Màu trong vở chèo cổ “Quan âm Thị Kính” tại cuộc thi, vừa giữ được đúng hình tượng nhân vật nhưng vẫn có nét duyên đặc biệt.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thị Thanh Phương (Nhà hát Tuồng Việt Nam) đã đi theo hướng chuyên nghiệp với môn nghệ thuật này từ khi 15 tuổi. Sau những nỗ lực trên sàn tập, nữ diễn viên này đã có thể đảm nhận được nhiều vai diễn mẫu mực của tuồng như Đào Tam Xuân, Hồ Nguyệt Cô, Xuân Đào... và đoạt giải Nhất xứng đáng trong cuộc thi lần này.
Không chỉ các nghệ sĩ vừa dự thi, nhiều gương mặt trẻ của nghệ thuật truyền thống đã và đang phát huy được tài năng, trở thành lớp diễn viên chính của các đơn vị nghệ thuật. Như nghệ sĩ Quốc Phòng, Thanh Huyền (Nhà hát Chèo Hà Nội). Họ thường xuyên đăng tải những video hát chèo lên mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, hàng nghìn bình luận tích cực. Các buổi diễn tại trường học ở Hà Nội trong chương trình “Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ” của Đoàn Thể nghiệm (Nhà hát Tuồng Việt Nam) luôn nhận được sự hưởng ứng, chia sẻ cảm xúc, tình yêu mến và mong muốn tìm hiểu nghệ thuật của học sinh...
Giữ nhiệt huyết và say mê
Theo đuổi nghề từ nhỏ, khổ luyện nhiều năm trên sàn diễn nhưng thực tế chung của nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống là thu nhập thấp, chưa được đãi ngộ xứng đáng. “Vì say mê và sự truyền lửa nhiệt huyết của thế hệ đi trước nên tôi không cảm thấy đây là sự hy sinh mà là niềm tự hào được cống hiến gìn giữ nghệ thuật dân tộc”, nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương (Nhà hát Tuồng Việt Nam) chia sẻ. Trở lại với cuộc thi Tài năng diễn viên chèo toàn quốc sau 20 năm nhưng ở cương vị người hướng dẫn, Nghệ sĩ ưu tú Hoài Thu (Nhà hát Chèo Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi hiện nay nhà hát có khoảng 20 diễn viên ở độ tuổi 30, có thanh, sắc và say sưa với nghề. Nghệ sĩ ưu tú Lộc Huyền, Trưởng đoàn Thể nghiệm (Nhà hát Tuồng Việt Nam) cũng nhận định, sân khấu truyền thống đang có lớp nghệ sĩ mới tài năng, nhiệt huyết và đam mê. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng họ vẫn theo nghề.
Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn tại cuộc thi Tài năng diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2023.
Là Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi Tài năng diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2023, Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ đánh giá, lớp nghệ sĩ mới của tuồng và dân ca kịch hiện nay đã hội tụ được những yếu tố cơ bản “thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần” của nghệ thuật truyền thống để kế tục sứ mệnh. Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi Tài năng diễn viên chèo toàn quốc - 2023 nhận định, các nghệ sĩ trẻ hiện nay nhanh nhạy, sử dụng công nghệ tốt nên thuận lợi trong việc lan tỏa nghệ thuật truyền thống đến khán giả.
Tuy có được lớp nghệ sĩ mới tài năng, nhưng sân khấu nghệ thuật truyền thống vẫn đang đối mặt với nguy cơ thiếu lớp kế cận nhỏ tuổi hơn cho tương lai. Để duy trì đam mê, nhiệt huyết với nghề, ngoài sự nỗ lực của nghệ sĩ, các thế hệ đi trước truyền lửa, còn cần nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách thiết thực, cụ thể cho nghệ thuật truyền thống. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đề nghị, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ tài năng làm lực lượng kế cận. Cục Nghệ thuật biểu diễn cần tích cực nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên nghệ thuật truyền thống; mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật biểu diễn cho các diễn viên; xây dựng đề án, đặt hàng các vở diễn cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống; tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng cho nghệ thuật truyền thống...
Gửi phản hồi
In bài viết