Người dân địa phương đi qua khu vực chịu ảnh hưởng của mưa lớn. (Ảnh: Reuters)
Ông Abdul Malik, người đứng đầu nhóm cứu hộ của tỉnh Tây Sumatra cho biết với Reuters, mưa xối xả vào tối 11/5 đã kéo theo lũ quét, lở đất và dòng dung nham lạnh (hỗn hợp vật chất núi lửa như tro, cát và sỏi được mưa mang xuống sườn núi lửa) tại 3 huyện.
Ông Abdul Malik cho biết: "Mưa lớn đã cuốn trôi các vật chất như tro và đá lớn từ núi lửa Marapi".
"Gần đây, dòng dung nham lạnh và lũ quét luôn là mối đe dọa đối với chúng tôi Nhưng vấn đề là nó luôn xảy ra vào đêm khuya cho đến rạng sáng", ông nói thêm.
Dòng dung nham lạnh (thường được gọi là lahar tại Indonesia) chảy ra từ núi Marapi - một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất trên đảo Sumatra.
Hồi tháng 12/2023, hơn 20 người đã thiệt mạng sau khi núi lửa Marapi phun trào. Sau đó, núi lửa này tiếp tục phun trào nhiều lần nữa.
Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết trong một thông cáo, gần 200 ngôi nhà đã bị hư hại và 72ha đất, trong đó có cánh đồng lúa, đã chịu ảnh hưởng của lũ quét và sạt lở. Ít nhất 159 người tại huyện Agam đã phải di dời đến các trường học lân cận.
Theo lời kể của anh Eko Widodo (43 tuổi), lũ lụt ập đến bất ngờ và dòng sông bị chặn khiến nước chảy khắp nơi và mất kiểm soát.
Hình ảnh do BNPB cung cấp cho thấy bùn đang bao phủ nhiều con đường và cánh đồng lúa.
Những tuyến đường bị hư hại đã khiến các nỗ lực cứu hộ được triển khai từ ngày 12/5 trở nên phức tạp hơn.
Để tìm kiếm những người mất tích, ông Abdul cho biết, ngày 13/5, khoảng 400 người, trong đó có các nhân viên cứu nạn địa phương, cảnh sát và binh sĩ, với sự hỗ trợ của ít nhất 8 máy xúc và thiết bị bay không người lái, đã được huy động.
Gửi phản hồi
In bài viết