Quản lý AI như thế nào là câu hỏi nhiều quốc gia và khu vực đang rất quan tâm.
Sự nhất trí diễn ra sau một cuộc đàm phán kéo dài. Quan điểm trái chiều nằm ở hai vấn đề.
Thứ nhất là cách thức quản lý các mô hình nền tảng như ChatGPT. Pháp, Đức và Italia kêu gọi loại bỏ các mô hình này ra khỏi những quy định cứng rắn để khuyến khích đổi mới. Một số nước khác cho rằng, luật quản lý AI của EU cần hạn chế thiệt hại có thể xảy ra do lạm dụng AI.
Các nhà lập pháp EU cũng chia rẽ về việc cơ quan thực thi pháp luật sử dụng hệ thống AI để nhận dạng sinh trắc học các cá nhân trong không gian công cộng.
Tuy nhiên, theo CNA, các nhà đàm phán sau cùng đã "nhất trí về cách thức AI có thể được sử dụng ở châu Âu" để không làm tổn hại đến sự đổi mới trong lĩnh vực này cũng như đảm bảo triển vọng cho sự phát triển của các “nhà vô địch AI” của châu Âu trong tương lai.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, đạo luật AI đầu tiên trên thế giới này là khung pháp lý độc đáo cho sự phát triển của AI mà người dân có thể tin tưởng, đã thể hiện cam kết của EU vì sự an toàn và các quyền cơ bản của người dân, doanh nghiệp.
Trong khi đó, Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU, Thierry Breton tuyên bố: "Một dấu mốc lịch sử! Với thỏa thuận chính trị về đạo luật AI được ký kết ngày hôm nay, EU đã trở thành lục địa đầu tiên đặt ra các quy tắc rõ ràng cho việc sử dụng AI. Đạo luật AI không chỉ là một cuốn sách quy tắc, mà đó là bệ phóng cho các công ty khởi nghiệp và nhà nghiên cứu của EU để dẫn đầu cuộc đua toàn cầu về AI".
"Đạo luật AI" đã được EU gấp rút xây dựng sau khi chatbot ChatGPT bùng nổ vào cuối năm 2022. Mặc dù khả năng tạo ra các bài tiểu luận và bài thơ của ChatGPT là màn trình diễn ấn tượng về những tiến bộ nhanh chóng của AI, nhưng giới chuyên môn tỏ ra lo lắng về cách công nghệ này có thể bị lạm dụng. Cùng với đó, các phần mềm AI phái sinh, bao gồm chatbot Bard của Google, đã có thể nhanh chóng tạo ra văn bản, hình ảnh và âm thanh từ các lệnh đơn giản bằng ngôn ngữ hằng ngày.
Theo quy định, đạo luật AI của châu Âu vẫn cần phải được các quốc gia thành viên và quốc hội thông qua để có hiệu lực, nhưng thỏa thuận lần này được coi là rào cản lớn cuối cùng.
EU không đơn độc trong nỗ lực quản lý AI. Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã ban hành một lệnh hành pháp về các tiêu chuẩn an toàn AI. Còn Trung Quốc cũng đã có những quy định liên quan tới AI, có hiệu lực từ tháng 8 vừa qua.
Gửi phản hồi
In bài viết