Lực lượng thầm lặng…

- Ngày 23-8-1957, Hội nghị Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra tại thủ đô Hà Nội đã họp bàn, ra nghị quyết khẳng định vai trò công tác Kỹ thuật hình sự là biện pháp nghiệp vụ cơ bản của ngành Công an. Tiếp đó, ngày 2-4-2002, Bộ trưởng Bộ công an đã quyết định chọn ngày 23-8-1957 là Ngày truyền thống của lực lượng Kỹ thuật hình sự.

Những ngày đầu, lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh chỉ có vài cán bộ chiến sỹ biên chế thuộc Phòng Trinh sát kỹ thuật (nay là Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ) làm công tác lập căn cước can phạm, tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu mẫu giám định và sơ bộ giám định. Đến nay, lực lượng đã có bước trưởng thành vững chắc về tổ chức và chất lượng công tác. Lực lượng được biên chế tại Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh và các đội, tổ kỹ thuật hình sự, Công an cấp huyện.

Những năm qua, lực lượng đã được quan tâm đầu tư, trang bị nhiều phương tiện hiện đại, đáp ứng yêu cầu công tác như: Máy ảnh, đèn soi dấu vết, va ly khám nghiệm hiện trường, kính hiển vi, máy sắc ký khí, sắc ký khí khối phổ, máy giám định tài liệu, hệ thống máy tính, phần mềm giám đình  kỹ thuật số điện tử... Công an tỉnh đã chú trọng cử cán bộ chiến sỹ cấp tỉnh, huyện đi học, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật. Nhờ đó, cán bộ, chiến sỹ đã làm chủ các máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn vừa giảm tiêu hao vật tư, phương tiện, hóa chất, vừa tiết kiệm sức lao động.

Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh được quan tâm đầu tư, nâng cấp nhiều phương tiện hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác.

Trước đây, các giám định về hóa học, sinh học (như: Giám định ma túy, pháo nổ, nồng độ cồn trong máu...) và tài liệu, hồ sơ phức tạp phải trưng cầu Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí. Đến nay, lực lượng kỹ thuật hình sự toàn tỉnh đã làm chủ triển khai được 9/11 chuyên ngành giám định kỹ thuật hình sự và pháp y. Trong đó, có nhiều lĩnh vực giám định mới: Giám định kỹ thuật số điện tử, dấu vết cơ học, súng đạn, nồng độ cồn trong máu, ma túy sinh học... đáp ứng tốt yêu cầu điều tra và giải quyết vụ việc tại địa phương.

Trung bình mỗi năm, lực lượng Kỹ thuật hình sự toàn tỉnh tiến hành khám nghiệm, giám định hàng trăm vụ việc với hàng nghìn yêu cầu trưng cầu giám định. Năm 2021, lực lượng đã khám nghiệm hiện trường 1.298 vụ và giám định 1.184 vụ việc các loại. 6 tháng đầu năm, toàn lực lượng đã khám nghiệm 531 vụ và giám định 562 vụ việc các loại. Hầu hết các vụ khám nghiệm đã phát hiện và thu được dấu vết, xác định được tính chất, nguyên nhân vụ việc phục vụ kịp thời yêu cầu điều tra phá án, đặc biệt là các vụ trọng án, vụ việc có tính chất phức tạp.

Điển hình, từ những chứng cứ, dấu vết thu thập được ở hiện trường, cùng kết quả giám định mẫu vật trong bát canh, trong dạ dày nạn nhân tử vong, Phòng kỹ thuật hình sự đã giúp tháo “nút thắt” quan trọng giúp Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh điều tra làm rõ thủ phạm gây ra vụ giết người xảy ra ngày 13-4-2020 tại thôn Nà Luông, xã Yên Hoa (Na Hang). Hung thủ là Triệu Chòi Phin (người trong thôn). Đối tượng Phin đã có hành động đê hèn, bỏ lá ngón vào đồ ăn khiến 5 người nhà ông Triệu Văn Khé bị đầu độc, trong đó một bé trai 8 tuổi tử vong.  

Lực lượng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh đã có nhiều đóng góp vào thành tích đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Những chiến công thầm lặng của lực lượng đã được các cấp ghi nhận, khen thưởng. Riêng Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh đã nhiều năm đạt Đơn vị Quyết thắng.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục