Bác sỹ Ma Ngọc Ba |
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, bác sỹ Ba về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Với kiến thức học tập tại nhà trường và lòng nhiệt huyết đam mê nghề nghiệp, bác sỹ Ba đã cùng với đồng nghiệp thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật khó, phức tạp mà trước đây bệnh nhân phải chuyển tuyến Trung ương điều trị như mổ nội soi lấy sỏi niệu quản, nội soi tán sỏi ngược dòng ống mềm, nội soi tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ, cắt u tiền liệt tuyến nội soi… góp phần giảm đau đớn cho bệnh nhân và giảm chi phí điều trị cho gia đình bệnh nhân. Năm 2011, bác sỹ Ba được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Ngoại - Thận - Tiết niệu và đến năm 2015, anh giữ chức vụ Trưởng khoa.
Ngoài thực hiện tốt chuyên môn, bác sỹ Ba còn là tấm gương mẫu mực trong học tập và nghiên cứu. Anh đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và cấp tỉnh đang được ứng dụng tại bệnh viện, tiêu biểu là đề tài: “Mổ nội soi sau phúc mạc lấy sỏi liệu quản”; “Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, điều trị sỏi thận”; “Phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng, điều trị sỏi niệu quản”; “Phẫu thuật nội soi cắt tiền liệt tuyến, điều trị phì đại tuyến tiền liệt”; “Phẫu thuật mổ thận Bival trong điều trị sỏi san hô thận”; “Nội soi tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ”… đã mang lại niềm tin cho người bệnh, giảm gánh nặng bệnh tật, kinh tế cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân.
Nhiều năm gắn bó với nghề, bác sỹ Ba không nhớ rõ mình đã từng tham gia bao nhiêu ca phẫu thuật, chỉ biết rằng, khi bệnh nhân cần, anh sẵn sàng có mặt và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn bằng tất cả sự tận tình, chu đáo. Trong căn phòng làm việc được treo nhiều Bằng khen, Giấy khen, bác sỹ Ma Ngọc Ba chia sẻ, trước đây, phương pháp mổ mở để điều trị sỏi thận, vết mổ mở dài khoảng 20 cm, cắt vào nhiều cơ, nhu mô thận khiến bệnh nhân chịu nhiều đau đớn, ảnh hưởng tới sự hồi phục của thận, hồi phục sau mổ lâu. Đây chính là động lực thôi thúc anh tìm tòi, nghiên cứu “Phương pháp phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ”. Với phương pháp này, chỉ phải rạch một vết mổ khoảng 5 mm sau đó tạo đường hầm từ ngoài da vào đến bể thận để đưa hệ thống nội soi vào tán và lấy mảnh sỏi ra. Đây là phương pháp kỹ thuật cao của tuyến Trung ương, ít xâm hại, bảo tồn tối đa chức năng thận, hạn chế chảy máu, nhờ đó bệnh nhân ít đau, nhanh hồi phục sức khỏe.
Với sự nỗ lực rèn luyện, nâng cao y đức, nhiều năm liền, bác sỹ Ma Ngọc Ba đạt Chiến sỹ thi đua cơ sở và nhiều năm được Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Y tế tặng Bằng khen.
Gửi phản hồi
In bài viết