Kinh tế khó khăn khiến showroom ô tô vắng bóng khách.
Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, lượng xe bán ra của các thành viên trong tháng 5-2023 chỉ đạt 20.726 xe, thấp hơn 8% so với tháng 4 và giảm tới 53% so với tháng 5-2022 năm 2022. Trong số này, có 12.079 xe lắp ráp trong nước (giảm 9%) và 8.647 xe nhập khẩu (giảm 5%).
Như vậy, lượng xe tiêu thụ trong tháng qua nối dài chuỗi lao dốc của thị trường. Cộng dồn 5 tháng đầu năm nay, tổng lượng xe do VAMA bán ra chỉ đạt 100.733 chiếc, giảm tới 38% so với cùng kỳ năm 2022 (163.399 xe), với lượng xe du lịch tới tay người tiêu dùng giảm tới 41%.
Đối với các nhà sản xuất lớn ngoài VAMA, tình hình kinh doanh không sáng sủa hơn. TC Motor (lắp ráp và phân phối xe Hyundai tại Việt Nam) ghi nhận xe bán ra chỉ đạt 3.575 chiếc, thấp hơn 22,2% so với tháng 4 và chỉ bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái (6.490 xe).
Lý giải sự ảm đạm của toàn thị trường, các chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô đều chỉ ra tác động từ những yếu tố như lãi suất cho vay tăng cao và khó khăn của nền kinh tế dẫn đến nhu cầu tiêu dùng năm nay giảm mạnh so với năm 2022. Thực trạng này diễn ra ở cả phân khúc xe phổ thông lẫn xe sang.
Đánh giá về thời gian tới, hầu hết các quan điểm phân tích đều tỏ ra bi quan. Sức mua yếu của thị trường sẽ tiếp tục khiến áp lực tồn kho tăng lên với các hãng và đại lý. Việc xe lắp ráp trong nước nhiều khả năng sắp hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ từ ngày 1-7 chắc chắn sẽ tác động lớn tới chiến lược kinh doanh xe của nhiều hãng, nhất là các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Trước mắt, để ứng phó tình hình khó khăn với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy doanh số tối đa, các nhà sản xuất sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp ưu đãi. Người tiêu dùng sẽ vẫn chứng kiến hầu hết các dòng xe phổ biến được bán ra với mức giá thấp hơn khoảng 12-15% so với giá niêm yết...
Gửi phản hồi
In bài viết