Mặt sân Mỹ Đình xuống cấp thể hiện rõ trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Australia ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á (Ảnh: Quang Minh)
Thực tế, không dưới một lần mặt cỏ của sân Mỹ Đình (Hà Nội) với sức chứa khoảng 40 nghìn chỗ ngồi bị chê xấu, đặc biệt là ở thời điểm sân Mỹ Đình được dùng để cho thuê tập đánh golf. Cứ ngỡ trong thời điểm sân quốc gia không thi đấu và chuẩn bị cho vòng loại cuối cùng của World Cup 2022 khu vực châu Á, mặt sân sẽ được bảo dưỡng tốt để có thể tự hào với thế giới.
Ở trận đấu của hai đội tuyển Việt Nam - Australia vào tối 7/9, giới chuyên môn và những người làm bóng đá đều phản ánh mặt sân không thể bảo đảm cho việc thi đấu tốt. Điều này đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của những người quản lý sân Mỹ Đình thời gian qua?
Từ tháng 11/2019 đến nay, sân Mỹ Đình mới lại được tiếp đón đội tuyển Việt Nam thi đấu, lại là trận mở màn vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á gặp đội tuyển Australia, đồng nghĩa Mỹ Đình có cơ hội khoe mình với bóng đá thế giới sau gần 2 năm “ngủ yên” vì đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, khi đội tuyển Việt Nam cho thấy sự tiến bộ ngày càng lớn và đang cố gắng rút ngắn khoảng cách với bóng đá thế giới, bằng việc có mặt ở vòng loại cuối cùng của World Cup thì ngược lại, những người quản lý sân vận động quốc gia của Việt Nam đang thể hiện sự yếu kém khi sân vận động quốc gia gần như không được quan tâm duy tu nhiều năm qua, và điều này hoàn toàn trái với xu thế chung về điều kiện thi đấu của bóng đá thế giới.
Theo thừa nhận của Giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Nguyễn Trọng Hổ, mặt cỏ sân Mỹ Đình đã 10 năm nay chưa được nâng cấp, sửa chữa. Trước đó, lần thay mới mặt cỏ gần nhất là vào năm 2011 và từ đó đến nay chưa từng được trồng mới lại, trong khi đáng nhẽ ra để bảo đảm điều kiện thi đấu thì ít nhất cũng phải 3, 4 năm phải thay mới hoặc trồng lại mặt cỏ để bảo đảm chất lượng.
Khi mặt cỏ sân vận động chính xuống cấp như thế, có thể hiểu những sân tập phụ chung quanh của sân vận động này được quan tâm kém ra sao, cho nên chẳng ngạc nhiên khi các thành viên đội tuyển Australia đã có những phản ứng khi phải tập luyện ở đây. Đó là chưa nói đến những phòng trang thiết bị của sân Mỹ Đình giờ cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, kể từ lúc khánh thành và tổ chức SEA Games 22 năm 2003 tại đây do Việt Nam đăng cai tổ chức.
Thực tế, khi sân Mỹ Đình được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2003, người ta đã nhìn thấy rất nhiều bất cập, đặc biệt là không đạt chuyên môn để tổ chức môn điền kinh khi 2 đầu sân hút lượng gió quá lớn, khiến nhiều kỷ lục điền kinh của năm ấy không được công nhận. Vậy nhưng lâu dần, những người có trách nhiệm đã bỏ qua rồi quên đi những vấn đề này. Nếu đánh giá, so sánh với các sân vận động tương tự trong khu vực, giờ đây Mỹ Đình đang là một trong những sân vận động quốc gia có điều kiện thi đấu kém của khu vực Đông Nam Á.
Mặc dù biết rõ thực trạng xuống cấp của sân Mỹ Đình, nhưng cho đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa có kế hoạch cụ thể và trước mắt để “chăm sóc” cho sân vận động quốc gia duy nhất của đất nước? Sắp tới, vẫn còn 2 trận đấu nữa của vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, liệu các nhà quản lý có kịp làm gì để sân Mỹ Đình thay đổi, ít ra cũng không để đội tuyển các nước đến đây thi đấu phải chê trách nước chủ nhà.
Gửi phản hồi
In bài viết