Khởi nghiệp mùa Covid

Món ốc nhồi ống lam không còn quá xa lạ với các tín đồ ẩm thực xứ Tuyên. Tuy nhiên trên thị trường ít nơi có được món ốc đậm đà, đưa hương như tại xưởng nhà anh Nguyễn Văn Thắng - chàng thanh niên khởi nghiệp thành công trong mùa Covid-19.

 

Xuất phát điểm là một đầu bếp trong nhiều nhà hàng danh tiếng tại thành phố Tuyên Quang, anh Nguyễn Văn Thắng có niềm đam mê với các món đặc sản quê hương. Trong đó món ốc nhồi được anh cho rằng dễ gây ấn tượng thực khách nhưng cách trình bày chưa hiệu quả. “Ngày trước hầu hết các nhà hàng đều nhồi thịt ốc vào vỏ ốc, khi khều ra thì vỏ dễ vỡ, khâu trình bày cũng không đẹp mắt”. Sau đó anh Thắng cũng đi đến một số nơi ăn thử món ốc nhồi trong ống lam tại hộ kinh doanh. Tuy nhiên, dưới tính khắt khe của người đầu bếp vững tay nghề, Thắng cảm thấy món ăn này còn có thể hoàn mỹ hơn nữa. 

 

Anh Thắng kể về ý tưởng nhen nhóm hồi ấy.

Nguồn nguyên liệu sẵn có từ địa phương.

 

Từ bỏ công việc đầu bếp nhà hàng, Thắng mạnh dạn mở xưởng sản xuất ốc nhồi ống lam tại xóm 18, xã Kim Phú (thành phố Tuyên Quang) vào năm 2019. Với mảnh đất rộng hơn 200m2 của gia đình, anh đã mở xưởng sản xuất ống nhồi ống lam với số vốn đầu tiên gần 30 triệu đồng. Chỉ nửa năm sau, xưởng của gia đình anh Thắng đã hoàn vốn và có tích lũy để tiếp tục mở rộng xưởng cũng như tăng số lượng nhân công, sử dụng máy móc để tăng nguồn hàng tiêu thụ ra thị trường.

Xưởng có quy mô từ 20 - 30 nhân công tùy thời điểm.

Với một sản phẩm duy nhất quy mô chỉ từ 6-10 nhân công bao gồm cả vợ chồng anh, đến nay xưởng có từ 20 - 30 người, năng suất 1 ngày tạo ra bình quân từ 3 - 4 tạ thành phẩm cuối cùng, lãi từ 20 - 50 triệu/tháng. Nguồn thu nhập này có thể vượt nếu không chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

 Anh Thắng luôn trực tiếp quan sát từng công đoạn để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng.

Khác với nhiều người phải loay hoay tìm thị trường, ngay từ đấu bằng mối quan hệ cũ với các nhà hàng, người đầu bếp đã có nguồn tiêu thụ nhất định. 7 tháng sau, từ những thị trường ngách, sản phẩm ốc nhồi ống lam Chiến Thắng đã có mặt tại các thị trường lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,..đặc biệt được ưa dùng các tỉnh thành miền Trung. 

 

Điểm khác biệt tạo nên thương hiệu ốc nhồi ống lam Chiến Thắng chính là hương vị riêng đậm đà của món ăn cùng quá trình chế biến bảo đảm vệ sinh, độ tươi ngon của nguyên liệu chính và cả các nguyên liệu thành phần.

Các thân tre tròn đều, bằng được tuyển chọn, qua nhiều khâu chế biến thành các ốc lam nhỏ dùng là vỏ nhồi. Ốc nhồi loại to được thu mua từ nhiều nơi, đảm bảo độ ngon sau được sơ chế kỹ càng để loại bỏ hết phần nhặm của ốc. 

Ốc nhồi là linh hồn của món ăn nên được tuyển chọn kỹ càng.

Từng nhánh sả, quả ớt, nấm hương,...đều là được chuẩn bị từ sáng sớm. 7 giờ các công đoạn sơ chế bắt đầu. Mỗi nhóm công nhân đảm nhiệm sơ chế từ 1 - 2 loại nguyên liệu. Trong đó công đoạn cắt vỏ ống lam và sơ chế ốc chiếm thời gian nhiều nhất, cần nhiều nhân công hơn cả. Sau tầm 2 tiếng sơ chế các loại nguyên liệu cần có, các nhóm công nhận bắt đầu đổ về trộn các nguyên liệu thành hỗn hợp sánh mịn là chả ốc để có thể nhồi gọn gàng vào từng chiếc ống lam. 

Các nguồn nguyên liệu được sơ chế, chế biến ngay trong ngày.

“Ngày trước khi xưởng mới bắt đầu làm, anh phải dùng kéo cắt từng con ốc, làm thủ công, bây giờ thì đã có máy móc, anh chỉ theo sát các công đoạn”. Các nhân công trong xưởng đều được trang bị găng tay, khẩu trang để vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn trong mùa dịch bệnh. 

Môi trường trong xưởng chế biến luôn đảm bảo vệ sinh, an toàn.

Đa phần các công nhân làm việc trong xưởng nhà anh Thắng đều là người ở các xóm của Kim Phú. Đa số là những người trong độ tuổi trung niên tranh thủ thời gian nông nhàn kiếm thêm thu nhập. Số ít là người trẻ, học sinh. Em Bùi Thu Hiền, xóm 18 đã làm ở đây một năm rồi, em chỉ làm vào mùa hè khi được nghỉ học.

Cô gái nhỏ tay thoăn thoắt làm, miệng cười chia sẻ.

 
 

Video: Các công đoạn làm ra món ốc nhồi ống lam Chiến Thắng

 

Theo Nguyễn Văn Thắng, cái hồn của món ăn nằm ở hương vị hòa quyện giữa các thành phần. Tỉ lệ gia giảm các nguyên liệu sao cho miếng chả thơm dậy mùi thơm của sả, gừng lại giòn sật của ốc cùng hòa quyện trong thứ nước chấm sóng sánh, cay nhẹ. Tất cả các gia vị đều được anh Thắng cân đo thành các túi riêng theo trọng lượng ứng với nguyên liệu.

Vị đầu bếp khó tính bộc bạch: “Trước đây, mình để cho nhân công tự gia giảm nguyên liệu nhưng bị mặn. Về sau mình tự đong thành các túi, đến khi trộn chỉ việc đúng tỉ lệ mà làm, thành phẩm 10 như 10, giữ trọn hương vị”.

 

 Món ăn sau khi được chế biến dậy mùi, có thể chế biến theo nhiều cách như hấp, luộc, nướng, lẩu,...

Cô Lâm Thị Trang, xóm 18, nhân công tại xưởng hóm hỉnh nói “chả ở đây ngon mà mỗi tội hơi đắt tí”. Nhờ xưởng ốc nhồi ống lam mà nhiều người như cô Trang có thêm thu nhập trong mùa dịch khó khăn.

Tuy ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng xưởng nhà anh Thắng kể từ khi thành lập đến nay, xưởng vẫn "cháy" hàng đều. Các đối tác tin tưởng, bạn hàng được mở rộng trên nhiều thành phố. Anh Thắng hy vọng mình sẽ tìm được nhiều hơn những công thức sáng tạo, hình thức chế biến độc đáo để đưa các đặc sản xứ Tuyên tới tay người tiêu dùng với mức độ hài lòng cao nhất.