Đổi mới đánh giá cán bộ nhìn từ việc “đặt hàng”, giao nhiệm vụ cho người đứng đầu - Bài 3: Phản hồi từ bạn đọc

 

 

Đồng chí Hoàng Thế Viện
Nguyên Ủy viên Ban Thuờng vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

 

Quy định đúng và trúng với yêu cầu thực tiễn

Qua thông tin từ bài báo cho thấy, quy định về giao việc đột phá, đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thực sự là bước đột phá của tỉnh trong việc đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ ở Tuyên Quang. Quy định này rất đúng và trúng với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Bởi xưa nay, cái khó của công tác đánh giá cán bộ chính là thiếu phương pháp, công cụ đo lường năng lực của cán bộ. “Sản phẩm” của cán bộ không đồng nhất, khá trừu tượng, mỗi người ở những vị trí việc làm khác nhau sẽ có sản phẩm khác nhau. Do đó, những yếu kém lâu nay của công tác đánh giá cán bộ, đã được Tỉnh ủy khắc phục thông qua việc giao nhiệm vụ, "đặt hàng" cụ thể với từng đồng chí lãnh đạo chủ chốt.

 

 

Đồng chí Đinh Thị Thu Hà
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Tuyên Quang

 

Lan tỏa việc “đặt hàng” giao nhiệm vụ

Thành ủy Tuyên Quang đã triển khai quy định về giao việc đột phá, đổi mới đối với tất cả những người đứng đầu cấp ủy cơ sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Thực hiện quy định này đã góp phần khắc phục nhiều hạn chế, tồn tại vướng mắc nhiều năm không giải quyết được như việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải phóng mặt bằng… Quy định này cũng góp phần nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền địa phương, đặc biệt là những việc mới, việc khó. Nhiều lãnh đạo địa phương khi được Ban Thường vụ Thành ủy "đặt hàng", giao nhiệm vụ đã có những chuyển biến tích cực như việc xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Tràng Đà, An Khang; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ ở phường Phú Lâm. Để triển khai hiệu quả quy định này thì chính Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy cần phải nắm chắc tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị để thực hiện “đặt hàng”, giao nhiêm vụ cũng như đôn đốc, giám sát quá trình triển khai thực hiện.

 

 

Đồng chí Ma Công Khâm
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm (Lâm Bình)

 

Động lực phấn đấu đối với cán bộ là người đứng đầu

Qua đọc các bài viết trên Báo Tuyên Quang online viết về việc triển khai và hiệu quả của việc “đặt hàng”, giao nhiệm vụ là việc khó, việc mới đối với người đứng đầu các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố, tôi thấy các bài viết đã nêu lên được những trăn trở của người đứng đầu và hiệu quả từ cách làm này. Giao việc khó, việc mới cho người đứng đầu chính là động lực phấn đấu đối với mỗi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Thành quả khi hoàn thành chứng minh được năng lực, trách nhiệm của người cán bộ. Người đứng đầu muốn hoàn thành được “đơn hàng” phải xây dựng được kế hoạch hết sức khoa học và chi tiết, quan tâm, sâu sát cơ sở hơn.

Hiệu quả nữa của việc này là khi cá nhân hoàn thành việc khó thì góp phần làm cho cả tập thể cũng hoàn thành. “Đặt hàng” việc khó, mới đối với người đứng đầu tạo ra sự lan tỏa đến cả cán bộ, công chức, viên chức, từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Ai cũng phải cố gắng và quyết tâm cao để hoàn thành. Như vậy là sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị được khơi dậy.

 

 

Ông Trần Văn Thuận
Thôn An Lâm, xã Thái Sơn (Hàm Yên)

 

Cán bộ gần dân hơn

Bài báo đã phản ánh đúng thực tiễn. Thời gian gần đây chúng tôi cảm nhận rất rõ việc chính quyền các cấp đã gần dân, lắng nghe nhân dân để giải quyết tâm tư nguyện vọng của người dân chúng tôi. Đơn cử như việc xóa bỏ lò gạch thủ công ở An Lâm. Chúng tôi đã được người đứng đầu UBND huyện, lãnh đạo xã trực tiếp đến gặp gỡ đối thoại. Ngoài ra, những tâm tư nguyện vọng của chúng tôi đã được các đồng chí lãnh đạo huyện lắng nghe, quan tâm. Trước đây, khi chính quyền vận động xóa bỏ những lò sản xuất gạch thủ công, chúng tôi rất lo lắng khi phải tìm ra sinh kế mới. Tôi là người gắn bó với nghề gạch đầu tiên ở mảnh đất này, chứng kiến những thăng trầm của nghề này, nay nghỉ cũng nhiều tâm tư. Nhưng từ sự tuyên truyền, tôi hiểu được những hệ lụy về môi trường, đặc biệt là những chính sách trong chuyển đổi nghề đã giúp chúng tôi an tâm chuyển đổi nghề.

 

 

Ông Nguyễn Văn Minh
Thôn 7, xã Lang Quán (Yên Sơn)

 

Phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc khó

Đọc các bài viết đăng trên Báo Tuyên Quang online vừa qua về hiệu quả “đặt hàng”, giao việc khó, việc mới cho cán bộ là người đứng đầu cấp tỉnh, huyện, tôi thấy tin tưởng vào cách làm này sẽ làm thay đổi tư duy, nâng tầm trách nhiệm của những người làm lãnh đạo. Bởi những việc khó liên quan đến nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân cần cán bộ phải gần gũi nhân dân, quyết liệt thực hiện. Theo tôi, những việc khó, mới phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Có như vậy mới giải quyết được những việc khó. Người đứng đầu phải coi những việc khó, việc mới là trách nhiệm và nghĩa vụ với nhân dân để tạo niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.