“Mở cửa” bầu trời, khôi phục nhanh hoạt động hàng không, du lịch

Theo kế hoạch, từ giữa tháng 3 tới, Việt Nam sẽ chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch. Do vậy, ngành hàng không đứng trước triển vọng phục hồi nhanh chóng khi lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh và mục tiêu khôi phục trở lại như giai đoạn trước dịch Covid-19 đang rất gần trước mắt.

Chủ trương mở lại đường bay quốc tế thường lệ của Chính phủ là điều kiện hết sức thuận lợi giúp các hãng hàng không giảm bớt các chi phí, chủ động xây dựng lịch bay, mở bán vé hai chiều vận chuyển khách.

Nối mạng bay tới gần 20 quốc gia

Trước đây, khi thực hiện các chuyến bay “giải cứu”, thuê chuyến, chi phí phục vụ các chuyến bay này rất tốn kém, nhất là ở các đầu bay nước ngoài có giá dịch vụ cao. Tuy nhiên, khi bay thường lệ, chi phí các hãng hàng không sẽ giảm bớt và đây là cơ sở điều chỉnh hạ giá vé để hành khách đi lại thuận lợi. Lãnh đạo Hãng hàng không Vietnam Airlines khẳng định, hãng đang tiếp tục định hướng xây dựng mạng bay quốc tế giai đoạn sau phục hồi dịch Covid-19; ưu tiên khai thác các đường bay trong khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, các đường bay có dung lượng thị trường lớn để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường; ổn định khai thác các đường bay dài tới châu Âu, Australia, Mỹ với lợi thế đội tàu bay thân rộng hiện đại. Sau khi thị trường phục hồi và không hạn chế tần suất chuyến bay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu sẽ phục hồi lại sớm nhất sản lượng khai thác như trước khi đại dịch xảy ra. Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng tiết lộ, các cơ quan, tổ chức nghiên cứu trên thế giới đều dự báo khách du lịch và thăm thân sẽ là đối tượng khách hồi phục sớm nhất sau đại dịch. Trên cơ sở đó, ngành hàng không, du lịch sẽ có nhiều cơ hội để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) từng dự báo, thị trường hàng không sẽ phục hồi vào khoảng năm 2023, tuy nhiên tốc độ phục hồi của các thị trường khác nhau, phụ thuộc vào quá trình tiêm vắc-xin và kế hoạch mở cửa đường bay quốc tế của mỗi quốc gia. IATA cũng dự báo năm 2022, khu vực châu Á sẽ phục hồi dần, tuy nhiên tốc độ phục hồi chậm hơn châu Âu và Bắc Mỹ. Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, đến ngày 15/2, đã có các chuyến bay thường lệ chở khách giữa Việt Nam với một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Australia, Đức, Nga, Pháp, Anh, Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Riêng thị trường Trung Quốc, các hãng hàng không đang thực hiện chở khách một chiều từ Trung Quốc vào Việt Nam, chiều ngược lại từ Việt Nam đi Trung Quốc đang bị hạn chế do Chính phủ Trung Quốc vẫn đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ đối với các chuyến bay quốc tế. Các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác đường bay quốc tế thường lệ gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines. Các hãng nước ngoài đang khai thác đường bay thường lệ kết nối với Việt Nam gồm Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ có ba hãng; Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ có hai hãng; Campuchia, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp mỗi nước có một hãng. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội hàng không Việt Nam (VABA) Bùi Doãn Nề nhận định, việc mở lại đường bay quốc tế là sự thỏa thuận giữa hai nước. Muốn phân bổ lịch bay phải được cả hai bên chấp nhận, không thể đơn phương bên nào quyết định. Trước khi mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, trung bình khách quốc tế đi/đến Việt Nam khoảng từ 40-50 nghìn khách/tháng. Sau khi thí điểm mở lại các đường bay quốc tế từ tháng 1/2022, lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam tăng lên hơn 103 nghìn khách trong tháng 1 và đến hết ngày 14/2 đã lên 153 nghìn khách.

“Cú huých” để mở cửa du lịch

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, với việc gỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay quốc tế thường lệ và không thường lệ, dự kiến lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam sẽ tăng mạnh trong giai đoạn tới và mục tiêu dần khôi phục trở lại như giai đoạn trước dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng đạt được. Từ ngày 1/1 đến nay, Hãng hàng không Vietnam Airlines đã nối lại 24 đường bay đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ. Từ ngày 17/2, hãng khai thác trở lại đường bay giữa Kuala Lumpur (Malaysia) và thành phố Hồ Chí Minh với tần suất hai chuyến tuần để vận chuyển khách người Việt Nam tại Malaysia có nhu cầu về nước. Cùng lúc, hãng cũng tăng thêm tần suất khai thác 1-2 chuyến/tuần đến các điểm châu Âu như Frankfurt (Đức), Moskva (Nga), Sydney (Australia) để phục vụ nhu cầu đi lại của du khách giữa hai nước.

Từ tháng 3 tới, Hãng hàng không Vietjet Air sẽ khai thác sáu chuyến bay khứ hồi giữa thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Bangkok của Thái Lan, tăng gấp hai lần tần suất bay so với thời điểm hiện tại nhằm đa dạng giờ bay và dịch vụ hàng không cho hành khách. Đường bay thành phố Hồ Chí Minh-Bangkok được khôi phục lại với tần suất gần như hằng ngày sau một thời gian dài bị hạn chế do đại dịch, góp phần hồi phục giao thương và du lịch giữa hai nước và trong khu vực. Đại diện Vietjet Air cũng cho biết, hãng đã sẵn sàng để nhanh chóng khôi phục toàn bộ mạng bay quốc tế sau khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15/2. Trước đó, từ ngày 1/1/2022, Vietjet Air đã khai thác trở lại các chuyến bay thương mại quốc tế kết nối Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với Tokyo (Nhật Bản), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Singapore và Bangkok. Hãng Bamboo Airways cũng đồng loạt triển khai kế hoạch khai thác các đường bay thường lệ tới các nước Đông Bắc Á như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc,... từ tháng 1/2022. Đối với thị trường khác, Bamboo Airways đã mở bán và sẽ chính thức đưa vào khai thác đường bay thường lệ thành phố Hồ Chí Minh-Melbourne (Australia) từ ngày 19/2, Hà Nội-Frankfurt (Đức) từ ngày 25/2, Hà Nội-London (Anh) từ ngày 22/3, thành phố Hồ Chí Minh-Bangkok từ ngày 17/3. Đồng thời, hãng đang gấp rút hoàn thiện công tác chuẩn bị để sẵn sàng mở rộng các đường bay đến Lào, Campuchia... và đặc biệt là Mỹ trong giai đoạn tới. Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways nhấn mạnh, hãng xác định đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh sức mạnh nội tại, thực hiện những bước tiến mới nhằm khai thác các tuyến bay quốc tế một cách hiệu quả, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của hành khách, đồng thời góp phần thúc đẩy và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Từ ngày 15/2, việc Việt Nam không hạn chế tần suất khai thác các đường bay quốc tế thường lệ đến tất cả thị trường là tiền đề thuận lợi để các hãng khôi phục, mở rộng mạng bay quốc tế, chuẩn bị đón đầu nhu cầu du lịch quốc tế trong thời gian tới. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay, từ tháng 4, hãng sẽ nâng tổng số chuyến bay khai thác trên toàn mạng quốc tế lên ít nhất 95 chuyến bay/tuần và từ tháng 7, ít nhất 164 chuyến bay/tuần, với tần suất bay bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu và giờ bay phù hợp mọi đối tượng hành khách.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings, hàng không đóng vai trò tiên quyết trong việc mở cửa du lịch quốc tế, khi khách du lịch đi lại bằng đường hàng không chiếm tỷ trọng lớn, nhất là du khách quốc tế. Do đó, muốn mở cửa giao thương, đi lại, du lịch thì hàng không phải đi đầu. Việc dỡ bỏ hạn chế tần suất khai thác các đường bay quốc tế thường lệ đến tất cả thị trường, trở lại bình thường như trước dịch kể từ ngày 15/2 và mở cửa đón khách du lịch từ ngày 15/3 là động thái rất tích cực của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam, tạo tiền đề cho “cú huých” về mở cửa du lịch quốc tế.

 

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục