Phát biểu tại phiên “Chính sách mở đường” tại “Diễn đàn “luồng xanh” cho du lịch cất cánh” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, PGS, TS Trần Đắc Phu, lưu ý, việc mở cửa từ ngày 15/3 tới đây cần phải tính toán làm sao phải mở cửa thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh bảo đảm được sức khỏe người dân và cả vấn đề an sinh xã hội.
PGS, TS Trần Đắc Phu cho rằng, cần phải có sự thống nhất lại về nhận thức khoa học và thực tiễn của dịch Covid-19 để áp dụng phòng chống dịch trong ngành du lịch. Từ đó mới thể hiện sự thích ứng linh hoạt, an toàn kiểm soát dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128.
“Đây là nguyên tắc, là khoa học nhưng trong từng thời điểm cụ thể, hoàn cảnh cụ thể có sự ứng dụng khác nhau. Các đơn vị, những người đứng đầu, những người dẫn tour nếu có nhận thức đúng thì cũng sẽ áp dụng đúng”, ông Phu nói.
Theo đó, virus SARS-CoV-2 vẫn lây theo giọt bắn, theo tiếp xúc gần, nguy cơ môi trường kín, tiếp xúc đám đông.
“Không thể nói virus bay từ nhà này sang nhà khác. Đây là căn cứ để xác định lây bệnh, phòng tránh, không thể như trước đây là cứ một nhà bị là cách ly cả chung cư”, PGS, TS Trần Đắc Phu lưu ý.
Về thời gian ủ bệnh, từ 2-7 ngày, phổ biến 4-5 ngày, nhưng có thể kéo dài tới 14 ngày. Nhưng bây giờ chủng mới lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn nên thời gian cách ly rút được ngắn lại.
Cũng theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, mọi người đều có thể bị nhiễm SARS-CoV-2, tỷ lệ mắc không triệu chứng là 60-80%. Covid-19 âm thầm lây lan trong cộng đồng, khó phát hiện để giải quyết nhanh. Khác với bệnh SARS năm 2013 là tất cả đều có biểu hiện nên nhanh chóng cách ly và giải quyết được dịch SARS 2013.
Phân tích đặc biệt về chủng Omicron, PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết, virus này phần nào giảm hiệu lực bảo vệ của vaccine. Tuy nhiên, việc tiêm mũi bổ sung giúp tăng hiệu quả bảo vệ, triệu chứng nhẹ nhưng tốc độ lây lan vẫn nhanh.
Do đó, quan điểm hiện nay là không cản được Omicron mà chỉ có thể làm tốc độ lây lan chậm lại, giữ biểu hiện nhẹ để không quá tải hệ thống y tế, những người diễn biến nặng sớm được tiếp cận với hệ thống y tế, được cứu chữa kịp thời và sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
“Chúng ta không lạm dụng đánh giá F1 và xét nghiệm. Trong du lịch cũng thế, quy định về F1 về thời gian tiếp xúc phải đúng. Bám sát quy định về F1 của Bộ Y tế”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Cũng theo PGS, TS Trần Đắc Phu, chúng ta có thể không công bố số ca nhiễm hằng ngày nhưng vẫn phải có yếu tố đánh giá, dự báo, thậm chí phân tích điểm có tính đại diện để nhận định tình hình bệnh phát triển mức độ như thế nào.
Thực tế, số ca mắc Covid-19 của cả nước ghi nhận là hơn 4 triệu ca mắc, nhưng chủ yếu trong nước. 63/63 tỉnh/thành phố có dịch, nhưng nguy cơ dịch, tỷ lệ mắc và tử vong và tỷ lệ tiêm khác nhau.
Nhận định chủ yếu ca nhiễm là từ trong nước, chỉ có 0,3% số ca mắc là nhập cảnh, ông Phu cho rằng vẫn cần mở cửa cho khách nước ngoài nhưng cần đặc biệt chú ý khi có chủng mới.
Quan điểm hiện nay là mở cửa chấp nhận có F0 trong cộng đồng, không thể “Zero-F0” được nữa. Mục tiêu là có ca nhiễm nhưng số ca nhiễm không tăng, không quá tải hệ thống y tế. Hiện Việt Nam đã có tỷ lệ tiêm chủng cao, đã có kinh nghiệm xử lý dịch và đã chuyển từ giai đoạn cấm đoán sang kiểm soát rủi ro. Do đó, hiện nay khi mở cửa du lịch, chúng ta sẽ phải tính toán kiểm soát rủi ro khi dịch bùng phát chứ không phải cấm mở cửa.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng tái khẳng định: “Nới lỏng nhưng không buông lỏng. Trong lúc này chưa thể coi Covid-19 là một bệnh thông thường được, vẫn phải đầu tư phòng bệnh. Chúng ta mở cửa an toàn, có mở cửa mới có khách du lịch, mới có thu nhập, mới giải quyết được an sinh xã hội”.
Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, bệnh tới đâu cách ly tới đó, không còn cách ly xã hội để bảo đảm an sinh xã hội. Về cách ly tập trung, cách ly tại nhà, người nhập cảnh cần được thực hiện cách ly thuận tiện.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế cũng chỉ ra, phải ứng dụng công nghệ thông tin để thông tin xuyên suốt giữa các tour, thông tin về ca bệnh, phòng dịch bệnh trong du lịch.
PGS, TS Trần Đắc Phu đánh giá, ngành du lịch có đặc điểm phức tạp vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau (ngoài trời, phòng kín…). Đồng thời tiếp xúc nhiều nhóm người lạ khác nhau, liên quan tới nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhiều địa phương.
“Cần mở cửa đồng bộ nhưng phòng bệnh cũng phải đồng bộ và có sự chỉ đạo hướng dẫn đồng bộ. Nếu mỗi địa phương làm một kiểu du khách không biết thực hiện như thế nào. Bên cạnh đó, khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế khuyến cáo.
Trên cơ sở đó, ông Phu cho rằng phải áp dụng 5K nhưng không phải áp dụng tất cả các K mọi lúc, mọi nơi. Cần linh hoạt, xác định khi nào, K nào áp dụng được, K nào chủ đạo, K nào hỗ trợ.
Khẩu trang cần áp dụng tối đa có thể, khử khuẩn là quan trọng, khoảng cách tùy theo nhóm, theo đoàn, hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn, các nhóm đồng thời khai báo y tế là vô cùng quan trọng để biết nguy cơ lây nhiễm ở đâu. Từ đó giúp xử lý tình huống dịch bệnh gọn gàng.
Về cách xử lý khi phát sinh dịch bệnh trong du lịch, nguyên Cục trưởng Cục Y tế nhấn mạnh cần sự phối hợp giữa quản lý tour, địa phương, quản lý địa điểm du lịch, y tế, chính quyền địa phương. Cùng với đó, cần có hướng dẫn chung toàn ngành, toàn quốc, tránh mỗi nơi làm một kiểu. Truyền thông phổ biến cho khách nắm được quy định, biên soạn cẩm nang, tờ rơi hướng dẫn.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến, tùy theo tình hình xử lý linh hoạt và nới lỏng nhưng vẫn dự phòng đồng bộ, bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn phải đánh giá rủi ro. Mong rằng trên cơ sở khoa học và thực tiễn này để thống nhất cách làm thông thoáng hơn. Chúng ta cũng mạnh dạn mở cửa ngày 15/3 tới đây”, PGS, TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết