Mở điểm nghẽn
Giữ vững vùng xanh an toàn thực sự là thời cơ lớn cho tỉnh ta thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách. Tuy nhiên, đó không phải yếu tố quyết định, vấn đề cốt lõi ở chỗ tỉnh ta đã nhìn ra được những điểm nghẽn phát triển, trong đó có điểm nghẽn về giao thông để có giải pháp tạo đột phá…
Từ những đánh giá, nhìn nhận rõ về thực trạng đó, Tuyên Quang đã từng bước “tháo” nút thắt, “mở” điểm nghẽn và đã đạt được những kết quả khả quan. Thực tế trong thời gian trước, tỉnh đã kết nối được không ít nhà đầu tư lớn nhưng triển khai dự án còn khá dè dặt, nguyên nhân ở chỗ Tuyên Quang còn rất khó khăn về đường giao thông, từ Hà Nội về Tuyên Quang mất 3, 4 tiếng đồng hồ, thực sự là rào cản các nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo tỉnh khảo sát phát triển giao thông, du lịch tại Na Hang.
Do vậy, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm xây dựng để ban hành các chương trình, đề án thực hiện các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, tập trung nguồn lực cho phát triển. Cùng với ban hành và tổ chức thực hiện Dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã triển khai xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; khảo sát tuyến đường liên kết vùng Tuyên Quang - Hà Giang kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ trình Chính phủ phê duyệt xây dựng trong thời gian tới; khảo sát xây dựng đường Na Hang - Ba Bể để hình thành một cung đường 2 điểm đến; xây dựng các tuyến đường kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc, nhất là đến các khu du lịch sinh thái để tạo động lực thu hút đầu tư.
Khi các tuyến đường lớn được hoàn thành, từ Tuyên Quang về Hà Nội chỉ còn chưa đến 1,5 tiếng đồng hồ, từ Hà Giang về Hà Nội chỉ mất 3,5 tiếng, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư giảm chi phí thời gian, tiền của triển khai các dự án. Đây là mấu chốt để tháo gỡ nút thắt thu hút đầu tư, bởi bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải thấy rõ được những lợi thế cạnh tranh, triển vọng phát triển thì mới quyết định triển khai dự án. Từ nỗ lực đó của tỉnh, năm 2021 đã có nhiều dự án vượt đại dịch đầu tư vào địa bàn. Tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 110 hồ sơ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách; quyết định điều chỉnh chủ trương 20 dự án, vốn đầu tư tăng trên 657 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư 25 dự án với tổng vốn đầu tư trên 5.356,6 tỷ đồng, tăng 83,8% so với năm 2020. Đây có thể nói là con số ấn tượng trong bức tranh kinh tế của tỉnh năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh ta thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra.
Xây dựng thương hiệu
Đánh giá, nhìn nhận rõ điểm nghẽn phát triển thể hiện khát vọng vươn lên của Tuyên Quang trong hành trình đổi mới. Để từng bước khắc phục điểm nghẽn đó điều quan trọng nhất là yếu tố con người - nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực không chỉ đòi hỏi bằng cấp mà điều cần nhất là năng lực thực tiễn, giải quyết thỏa đáng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.
Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang tiếp tục mở rộng quy mô dự án thêm 30 ha tại Cụm công nghiệp thị trấn Yên Sơn.
Từ yêu cầu đó, trong các cuộc họp quan trọng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều yêu cầu đội ngũ cán bộ phải đổi mới tư duy coi doanh nghiệp là khách hàng để phục vụ tốt nhất, cởi bỏ cơ chế xin cho và tình trạng trên nóng dưới lạnh. Phải làm tốt điều này để xây dựng “thương hiệu” của Tuyên Quang đối với các nhà đầu tư, coi đây là yêu cầu xuyên suốt để thu hút các dự án, tạo nhiều nguồn lực để xây dựng Tuyên Quang ngày càng phát triển. Tỉnh đã từng bước nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đã vươn lên xếp thứ 31 trong cả nước nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cần phải cải thiện tốt hơn nữa, nếu không Tuyên Quang sẽ bị tụt hậu, trở thành rào cản, thách thức cho giai đoạn phát triển mới.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhấn mạnh, sự cầu thị của các đồng chí lãnh đạo tỉnh thực sự đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào tỉnh, không chỉ tăng nguồn lực cho địa phương mà còn giúp doanh nghiệp tỉnh nhà có cơ hội học hỏi, cạnh tranh để cùng thực hiện mục tiêu doanh nghiệp phát tài-Tuyên Quang phát triển, tô thắm sắc xuân cho quê hương cách mạng.
Các nhà đầu tư về Tuyên Quang luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương. Ông Trần Kiên Cường, Giám đốc Phát triển dự án của Tập đoàn VinGroup tại buổi với lãnh đạo tỉnh vào dịp cuối năm 2021 bày tỏ niềm phấn khởi khi được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án tại phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang). Ông chia sẻ, VinGroup kỳ vọng đầu tư tại Mỹ Lâm trở thành khu du lịch đẳng cấp và điều đó đang thành hiện thực vì có sự hỗ trợ đắc lực của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn bám sát các nhà đầu tư, giải quyết kịp thời những vướng mắc về thủ tục, việc thì thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đều được giải quyết ngay. Duy trì tốt ưu thế này sẽ trở thành “thương hiệu” riêng có của Tuyên Quang, trở thành điểm đến của nhà đầu tư có tiềm lực trong tương khai khi hệ thống đường giao thông được hoàn thiện, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn.
Thu hút đầu tư sẽ tạo nguồn lực phát triển nhưng quan điểm của tỉnh là không thu hút các dự án ảnh hưởng đến môi trường; các dự án phải mang lại lợi ích cho người dân, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Do đó, những dự án đầu tư vào tỉnh thời gian qua, nhất là năm 2021 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tỉnh ta có nhiều lợi thế như chế biến nông, lâm sản, du lịch, thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày... góp phần tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Gửi phản hồi
In bài viết