Người dân giao dịch tại một điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TUẤN NGỌC
Một thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, các tỉnh như Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu là những tỉnh chỉ có từ 4 - 5 ngân hàng, phần lớn là Ngân hàng chính sách xã hội, các ngân hàng có vốn nhà nước như Agribank, BIDV,... Trong khi, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có mặt của tất cả ngân hàng thương mại với số lượng chi nhánh, phòng giao dịch lên tới hơn 1.800, gấp tương ứng 6,2 lần và 79,69 lần số ngân hàng thương mại và chi nhánh, phòng giao dịch tại tỉnh ít nhất là Lai Châu. Tại Lai Châu, năm 2020, là 10.325 người/điểm giao dịch; số liệu tương ứng tại Hà Nội là 2.289 người/điểm giao dịch và tại thành phố Hồ Chí Minh là 2.673 người/điểm giao dịch.
Trong khi đó, Quỹ tín dụng nhân dân chủ yếu hoạt động ở khu vực nông thôn, đối tượng phục vụ đa số là những người có thu nhập thấp. Năm 2015 chỉ có khoảng 907.240 người gửi tiền tại các Quỹ tín dụng nhân dân, thì con số năm 2020 đã đạt hơn 1,4 triệu người, tương ứng mức tăng 54%. Theo PGS, TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Tài chính (Học viện Ngân hàng), đây là một con số rất đáng khích lệ với hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân phục vụ người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, tài khoản tiền vay tại các quỹ này lại khá thấp, chỉ tăng khoảng 15% từ năm 2015 đến năm 2020. Đáng chú ý, các cá nhân đến vay vốn tại các quỹ giảm từ hơn 101.000 người năm 2015 xuống còn hơn 96.300 người năm 2020, tương ứng giảm khoảng 5,27%.
Đánh giá thực trạng tiếp cận các dịch vụ tài chính ở khu vực nông thôn Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Thanh Phương cho biết thêm, hệ thống các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đa dạng về quy mô, tính chất hoạt động và hình thức sở hữu, là lực lượng nòng cốt cung cấp các dịch vụ ngân hàng đến các chủ thể trên thị trường. Ngoài các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống, các ngân hàng thương mại đã kết nối trực tiếp khách hàng qua phương tiện viễn thông, liên kết thu hộ thuế, thu cước điện thoại, điện nước... Các dịch vụ tiện ích đi kèm thẻ ngày càng được đa dạng hóa. Đây là cơ sở để phát triển mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở nhiều lĩnh vực trên cả nước. Thậm chí, theo nhìn nhận của PGS, TS Bùi Thị Mai Hoài, Viện trưởng Viện Tài chính bền vững (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), hệ thống ngân hàng trở thành bên liên quan có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc định hướng và thiết lập các nguyên tắc tài trợ cho các dự án nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ ngày 22/1/2020 đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tại Quyết định này, tài chính toàn diện đã được chỉ rõ "là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững". Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh: Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia hướng tới tất cả mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng tới những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính như người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Đối với ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và luôn xác định tín dụng nông nghiệp, nông thôn là một trong năm lĩnh vực ưu tiên. Các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư vốn, cơ chế thuận lợi về thủ tục, điều kiện, lãi suất,... cho khách hàng trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc tiếp cận dịch vụ tài chính của cá nhân, tổ chức ở khu vực nông thôn, nhất là người có thu nhập thấp còn nhiều hạn chế xét trên phương diện quy mô người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính; mức độ thường xuyên sử dụng; chất lượng của sản phẩm, dịch vụ tài chính. "Xét về khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ do hệ thống ngân hàng cung cấp, hiện vẫn có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn, giữa các thành phố lớn và các tỉnh vùng sâu, vùng xa" - PGS, TS Nguyễn Thanh Phương nêu đánh giá.
Ngoài ra, việc thúc đẩy tài chính toàn diện tại khu vực nông nghiệp, nông thôn còn bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân khác. TS Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam khuyến nghị, cần tiến hành điều tra, khảo sát, để hiểu rõ nhu cầu (về hành vi tài chính và cách sử dụng) của các nhóm dân cư này; tăng cường hòa nhập tài chính nông thôn, thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn, có chiến lược mở rộng giáo dục tài chính đối với khách hàng của mình, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Gửi phản hồi
In bài viết