Cảnh trong phim “Món quà của cha”.
Món quà của cha: Quen hay lạ?
Lên sóng VTV3 từ ngày 17-7, bộ phim “Món quà của cha” hứa hẹn mang đến cho người xem sự cuốn hút tự nhiên bởi ê kíp làm phim đều là những gương mặt quen thuộc, đã làm nên thành công cho các bộ phim, vai diễn tương tự trước đó.
Sau sự trở lại gây nhiều chú ý và thành công với vai ông Sinh - người cha tội nghiệp trong phim “Hương vị tình thân”, NSƯT Võ Hoài Nam tiếp tục gây ấn tượng trong “Món quà của cha”. Nam tài tử vào vai ông Nhân - người cha nhiều nỗi niềm, một người đàn ông “gà trống nuôi con”, bươn chải mưu sinh với nghề đóng quan tài và vớt xác, dễ khiến người xem rơi nước mắt. Ông là trụ cột gia đình, là điểm tựa, nơi chở che nhưng cũng là nơi phát khởi những vấn đề khúc mắc trong cách hành xử với những đứa con.
NSƯT Võ Hoài Nam chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi đóng vai bố. Vai diễn này khác với ông Sinh trong “Hương vị tình thân”, ông ấy có nghề nghiệp ổn định hơn, cuộc sống gia đình ấm cúng hơn nhưng cũng mưu sinh vất vả và hết lòng che chở cho con cái mình”.
Sự xuất hiện của NSND Minh Hòa trong vai bà mẹ vợ đồng bóng, chua ngoa, luôn coi thường con rể mà nữ diễn viên xác định “sẽ nhận nhiều gạch đá của khán giả” cũng có thể coi là một vai diễn sở trường của chị trên sóng truyền hình. Còn vai diễn người chồng thích làm việc nhà, bị nhà vợ coi thường vì không làm ra tiền của Tuấn Tú khá gần gũi với vai diễn trước đó của anh trong phim “Anh có phải đàn ông không?”.
Và, ngay từ những hình ảnh đầu tiên trong phim, người xem đã có thể nhận ra cách kể truyện mang màu sắc riêng của đạo diễn Vũ Minh Trí. Anh từng thành công với nhiều bộ phim truyền hình về tâm lý gia đình, tình yêu, tuổi trẻ như “Ngược chiều nước mắt”, “Chạy trốn thanh xuân”, “Mùa hoa tìm lại”, “Lối về miền hoa”, “Đừng làm mẹ cáu”... Bối cảnh làng ven đô với những câu chuyện gia đình đầy trắc ẩn và giàu nhân ái là sở trường của đạo diễn này. Với lối kể chuyện nhẹ nhàng, dung dị xen lẫn nét hóm hỉnh, mỗi bộ phim của anh đều để lại dư vị rất riêng.
Có thể nói, bằng dàn diễn viên rõ thực lực được khán giả truyền hình yêu mến với những vai diễn sở trường cùng đạo diễn quen tay, người xem có quyền kỳ vọng vào câu chuyện hấp dẫn phía trước ở “Món quà của cha”.
Sức hút từ đời thường
Nhìn vào những bộ phim thành công cả trên màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ hiện nay, có thể thấy cuộc sống của người lao động bình dân với những câu chuyện giản dị chứ không phải kiểu bi kịch chết đi sống lại, đang thể hiện sức hấp dẫn lớn với công chúng.
Về phim điện ảnh, lý giải về doanh thu kỷ lục mà hai bộ phim của Trấn Thành là “Bố già” (doanh thu 425 tỷ đồng) và “Nhà bà Nữ” (475 tỷ đồng) đạt được, nhiều nhà phê bình cho rằng đó là vì phim đã chạm đến những vấn đề của tầng lớp thị dân.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm đánh giá: “Với tôi, hai kỷ lục phòng vé chưa từng có của “Bố già” và “Nhà bà Nữ” là nhờ Trấn Thành khai thác được chất liệu bình dân của đời sống xã hội Việt Nam đương đại. Nói cách khác, phim của Trấn Thành là dòng phim về thị dân và đưa ra được triết lý bình dân gần gũi. Làm được điều này tức là anh ta đã chạm vào phần đông người Việt Nam rồi”.
Với phim truyền hình, thành công vượt trội của “Về nhà đi con” hay mới đây nhất là “Cuộc đời vẫn đẹp sao” cũng cho thấy khán giả dễ đồng cảm, yêu thích những bộ phim gần gũi với cuộc sống của mình, vừa vặn với cảm xúc của họ. Trên các diễn đàn về phim, người xem không ngớt dành lời khen tặng cho “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, họ đánh giá đây là bộ phim “hết nước chấm” - một câu thoại nổi tiếng trong phim - bởi đã thể hiện rất thành công cuộc sống vất vả nhưng vẫn yêu đời của những người lao động xóm gầm cầu. Rất nhiều người xem bày tỏ mong muốn phim truyền hình Việt Nam tiếp tục khai thác những đề tài như vậy.
Có thể thấy, mô típ truyện tình sến súa, hoàng tử - lọ lem hay những bi kịch không lối thoát như bệnh nan y... vốn rất thịnh hành ở dòng phim truyền hình cách đây ít năm dường như đã bị xao nhãng. Các nhà làm phim Việt đang tập trung khai thác câu chuyện sinh hoạt đời thường, tâm tư tình cảm, mâu thuẫn, xung đột… của tầng lớp bình dân để đưa lên phim. Điều này cũng khiến phim truyền hình Việt có được màu sắc riêng, không bị lẫn với những bộ phim của các nước láng giềng hay phim được làm lại từ kịch bản ngoại. “Món quà của cha” là một bộ phim đi theo xu hướng này, hy vọng bắt trúng "tần số" sở thích, thị hiếu của người xem.
Gửi phản hồi
In bài viết