Đường, bờ sông, bờ suối... thành bãi rác
Khắp các trục đường từ các xã Vân Sơn đi Hồng Lạc, Hồng Lạc - Hào Phú, Tam Đa không khó bắt gặp tình trạng những bao tải chứa đầy rác được người dân nén đầy, buộc chặt vứt ra lề đường. Theo phản ánh của nhiều người dân sống dọc theo các trục đường, thời điểm vừa qua mưa lớn, lượng rác đã được nước cuốn trôi đi nhiều, chỉ còn lại những bao lớn, nặng còn sót lại.
Bà T.T.H. thôn Thắng Lợi, xã Hào Phú cho biết, 2 tháng nay đơn vị thu gom rác dừng thu gom do bãi rác không còn chỗ chứa nên rác đã được người dân tự thu gom và xử lý theo cách riêng của từng hộ. Với những hộ có vườn, đồi, rác sẽ được phân loại và thiêu hủy, những hộ không có không gian để xử lý, rác được cho vào bao tải nhằm lúc sáng sớm, đêm tối vắng người là chở ra vứt lề đường. Với gia đình nhà bà T.T.H. may mắn có vườn rộng nên bà H. xử lý bằng cách thiêu hủy. Tuy vậy thời điểm này mưa rất nhiều, rác không thể tiêu hủy cũng khiến bà H. sốt ruột.
Huyện Sơn Dương hỗ trợ người dân xã Hào Phú bể xử lý rác thải để phân loại rác tại nguồn.
Không riêng ở lề đường, những vị trí khuất như chân đồi, bờ sông, bờ ngòi cũng đã trở thành bãi rác. Ngay tại khu vực bờ sông đoạn qua thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc, rác thải sinh hoạt của các hộ dân trong thôn và khu vực lân cận ngày ngày được trút xuống.
Đồng chí Vũ Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc cho biết, xã đã quyết liệt, thậm chí là ra quyết định xử phạt đối với những trường hợp xả rác ra môi trường không đúng quy định. Tuy nhiên hiện không có đơn vị thu gom nên dù xã có cấm cũng không thể ngăn chặn. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc, thấy bóng dáng của cán bộ thôn, xã hoặc ban ngày nhiều người để ý người dân sẽ không đổ, tuy nhiên khi đêm tối hoặc tờ mờ sáng lại thấy xuất hiện những túi rác.
Một người dân ở thôn Kim Xuyên chia sẻ, gia đình ở khu vực trung tâm xã, ngay gần chợ, nhà ở chật chội, không có chỗ để đào hố đổ rác nên cũng đành mang rác ra ngoài chứ không còn cách nào khác.
Ông Nguyễn Minh Việt, Giám đốc Hợp tác xã Việt Tiến, đơn vị được huyện Sơn Dương hợp đồng thu gom rác tại khu vực hạ huyện chia sẻ. Năm 2018, hợp tác xã hợp đồng với huyện thu gom vận chuyển rác cho 9 xã bao gồm: Hồng Lạc, Hào Phú, Tam Đa, Phú Lương, Trường Sinh, Đông Lợi, Chi Thiết, Văn Phú và Vân Sơn. Tuy nhiên chỉ có duy nhất xã Hồng Lạc là có bãi đổ rác, còn lại các xã không quy hoạch được bãi đổ rác. Theo ông Việt, lượng rác thu gom của 9 xã trong khu vực khoảng 5 - 6 tấn/ngày, trong khi bãi rác Hồng Lạc chỉ có diện tích chứa là 2.000 m2 (bao gồm cả đường đi, chỗ quay xe) nên chỉ trong thời gian ngắn đã không còn chỗ chứa, buộc phải tạm dừng để hạn chế tình trạng mất vệ sinh môi trường.
Phân loại, xử lý tại hộ
Trong Quyết định số 1058/QĐ-UBND của UBND huyện Sơn Dương ngày 31-12-2023 đã đặt hàng thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn 12 xã trên địa bàn huyện, trong đó có xã Hồng Lạc. Theo đó, Công ty cổ phần Ngân Đức, đơn vị được huyện hợp đồng có địa chỉ tổ 4, thị trấn Na Hang (Na Hang) sẽ thực hiện vận chuyển, xử lý rác. Tuy nhiên vì một số lý do, Công ty cổ phần Ngân Đức không thể vận chuyển đi xử lý đã kéo theo việc thu gom rác từ các địa phương về bị đình lại.
Theo lãnh đạo phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sơn Dương, để duy trì lại hoạt động thu gom rác trên địa bàn 9 xã vùng hạ huyện, huyện đang lập hồ sơ mời các nhà thầu có đủ năng lực để thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Và trong thời gian thực hiện các bước theo đúng quy định, huyện yêu cầu các xã nằm trong phạm vi thu gom rác của Hợp tác xã Việt Tiến thực hiện phân loại, xử lý rác tại nguồn để hạn chế rác xả thải ra môi trường.
Anh Nguyễn Đức Thuận, thôn Kim Xuyên, Trưởng Ban quản lý chợ Kim Xuyên cho biết, ngày thường rác của các tiểu thương khoảng 100 kg nhưng vào ngày phiên chợ lượng rác sẽ gấp 2, gấp 3 lần, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Trong thời điểm chưa có đơn vị thu gom, vận chuyển rác, Ban yêu cầu các tiểu thương kinh doanh tại chợ phân loại rác, rác hữu cơ sẽ được tận dụng lại làm thức ăn cho vật nuôi hoặc chôn, lấp làm phân bón cho cây trồng. Đối với những rác khó phân hủy, Ban đã mượn địa điểm tập kết rồi đào hố, mua dầu thải đổ vào thiêu hủy. Theo anh Thuận, sử dụng biện pháp thiêu hủy thủ công như hiện nay phần nào vẫn gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên trong thời điểm này giải pháp đó là hiệu quả nhất để giảm thiểu lượng rác xả ra môi trường.
Người dân các xã Hào Phú, Tam Đa… cũng đã thực hiện phân loại và xử lý rác tại nguồn nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải. Ông Đỗ Quang Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hào Phú cho biết, vừa qua huyện đã xây dựng mô hình điểm và hỗ trợ 45 bể xử lý rác thải cho các hộ dân. Theo đó, rác hữu cơ bao gồm: vỏ hoa quả, phế phẩm nông nghiệp sẽ được gom lại và dùng men vi sinh ủ cho hoai mục làm phân bón. Riêng với chai, lọ nhựa, bìa caton sẽ phân loại để tái chế, riêng với túi nilon, vỏ hộp thức ăn sẽ được xử lý bằng cách đốt. Ông Hải chia sẻ thêm, MTTQ xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân sử dụng đồ dùng thân thiện môi trường; hạn chế tối đa sử dụng túi nilon, hộp xốp đựng thức ăn, đồ nhựa bởi vấn đề xử lý rác thải, đặc biệt đối với rác thải nhựa rất nan giải do khó phân hủy, tác động rất xấu đến môi trường.
Giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh phát sinh từ nguồn rác thải, chính quyền, người dân các xã vùng hạ huyện rất mong huyện Sơn Dương có phương án để giải quyết đảm bảo rác thải được nhanh chóng thu gom trở lại.
Gửi phản hồi
In bài viết