Theo tổng hợp giải trình, tiếp thu góp ý về xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thay thế của Bộ Tài chính vừa công bố, Bộ Quốc phòng đề xuất tăng mức GTGC cho người nộp thuế lên 17,3 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc lên 6,9 triệu đồng/tháng.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức GTGC đối với người nộp thuế lên 18 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 8 triệu đồng/tháng. UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị nâng mức GTGC hiện hành theo hướng phù hợp với điều kiện sinh hoạt thực tiễn từng vùng, miền vì lương tối thiểu được chia theo 4 vùng. Bộ TT-TT thì đề nghị nâng mức GTGC để phù hợp với việc tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2024. Đồng thời xây dựng mức GTGC theo cùng để phù hợp với chính sách tiền lương của Chính phủ đang quy định (theo 4 vùng).
Nhiều địa phương, bộ ngành còn kiến nghị bổ sung các khoản giảm trừ hỗ trợ chi phí giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội tự nguyện và các khoản đầu tư cho sự phát triển con người. Đồng thời quy định bổ sung các khoản giảm trừ để hỗ trợ các trường hợp đặc biệt như người lao động là cha, mẹ đơn thân, hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo…
Đồng tình với những kiến nghị trên, nhân dân mong muốn xem xét thay đổi mức giảm trừ gia cảnh mà không đợi theo lộ trình sửa đổi toàn diện luật Thuế TNCN. Bởi từ năm 2020 - 2023, đại dịch Covid-19 diễn ra đã tác động mạnh đến KT-XH cả thế giới lẫn VN. Hàng loạt mặt hàng thiết yếu đã tăng giá cao. Lương tối thiểu cũng đã tăng, kèm theo đó là mức tăng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Nếu theo lộ trình đã công bố thì đến tháng 10-2025, dự thảo luật Thuế TNCN mới đưa ra Quốc hội, tháng 5-2026 thông qua và khả năng năm 2027 mới có hiệu lực áp dụng. Nghĩa là người lao động làm công ăn lương phải chờ 2 năm nữa thì mức GTGC mới thay đổi.
Như vậy, việc xem xét sửa đổi thuế thu nhập cá nhân sớm hơn thời điểm lộ trình đã đề ra trước đó chính là phù hợp với thực tế, đồng hành cùng người dân, nuôi dưỡng nguồn thu.
Gửi phản hồi
In bài viết