Một tác phẩm vẽ bằng bút bi sắp hoàn thiện của Nguyễn Văn Luận.
Cho dù là ghi lại lời đọc vội vàng của thầy, cô giáo trên giảng đường hay vẽ nguệch ngoạc ở góc vở, bìa sách, có lẽ tất cả chúng ta đều đã từng sử dụng bút bi vào một thời điểm nào đó. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể nghĩ đến việc biến những nét vẽ nguệch ngoạc đó thành sự nghiệp.
Đó là lý do giải thích tại sao trên thế giới chỉ có một vài nghệ sĩ khiến chúng ta thật sự say mê với nghệ thuật bút bi của họ như James Mylne (Anh), Samuel Silva (Bồ Đào Nha), Alfredo Chamal (Mexico), Juan Francisco Casas (Tây Ban Nha), Oscar Ukonu (Nigeria), Andrey Poletaev (Ukraine) hay Marite Desaine (Latvia)... Những tác phẩm nghệ thuật của họ phong phú với nhiều chủ đề.
Tại Việt Nam, họa sĩ vẽ tranh bằng bút bi được biết đến nhiều nhất là Lê Vinh. Chủ đề chính của người họa sĩ sinh năm 1979 tại Hà Nội là những thiếu nữ, các em nhỏ vùng cao khoác trên mình bộ trang phục dân tộc truyền thống. Sau Vinh, người thứ hai có lẽ là Luận, chàng trai trẻ sinh năm 1998. Chủ đề chính trong tranh của Luận là Hà Nội, một Hà Nội đời thường, gần gũi, quen thuộc nhưng đầy mới lạ.
Tôi đã thấy và cảm nhận một Hà Nội như thế qua những bức ảnh được Luận chụp lại trong quá trình sáng tác mỗi tác phẩm và được anh đưa lên trang Facebook cá nhân. Vì vậy, tôi rất muốn gặp Luận ngoài đời, trước là để tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh cực thực của anh và sau là để tìm hiểu vì sao anh yêu Hà Nội đến vậy.
Nếu không, làm sao anh có thể thể hiện những ký ức sâu đậm về Hà Nội. Thậm chí, không quá lời khi cho rằng, ký ức của Luận là những gam màu, những mảnh ghép, để rồi lúc ráp lại là một góc phố, một ngôi nhà, một con đường của Hà Nội.
Trớ trêu là ngày chúng tôi gặp nhau, Hà Nội oi bức, khó chịu, trước khi bão số 3 (Yagi) tràn qua với cấp độ khủng khiếp. Ai cũng vội vã, ai cũng bồn chồn, thật chẳng thích hợp để nói về chủ đề phố xưa, nhà cũ. Nếu có, chúng tôi đã không bị ai làm phiền trong một khung cảnh yên tĩnh.
Quán café chỉ có những nhân viên, những chiếc ghế chờ khách. Chỗ chúng tôi ngồi là một chiếc bàn nhỏ ở góc quán, vừa đủ rộng để Luận bày những bức tranh trên giấy roki khổ A3 và để anh có cơ hội phô diễn nét bút bi của mình.
Lúc này, tôi có dịp nhìn rõ hơn một số bức tranh đã được Luận đăng trên Facebook. Ấn tượng ban đầu là chúng đẹp hơn so với việc xem qua màn hình điện thoại. Thậm chí, đấy rõ ràng là những bức ảnh về Hà Nội chứ không phải là tranh bởi những gì anh vẽ đều như ảnh chụp, với những chi tiết tinh tế, chân thực và tự nhiên.
Luận cũng không biết rằng, anh đang đi theo trường phái Hyperrealism (Chủ nghĩa cực thực) vốn phát triển mạnh mẽ từ đầu những năm 2000. Hiểu một cách đơn giản thì trong khi rất nhiều người chụp ảnh hiện nay thích dùng các hiệu ứng cũng như các chương trình sửa ảnh để tạo ra một tấm ảnh chụp "không giống thật" thì lại có những nghệ sĩ chọn lối đi ngược lại: Vẽ sao cho càng thật càng tốt. Nhìn những bức tranh thuộc trường phái này, mọi người dễ nhầm lẫn đây là một bức ảnh có độ phân giải cao, thậm chí còn sinh động và chân thật hơn ảnh chụp.
Và trong khi nhiều nghệ sĩ theo trường phái này trên thế giới sử dụng những phương tiện, công cụ vốn không mấy khi tạo ra cảm giác "thực" để sáng tác như bút chì, mầu nước... thì việc thử thách bản thân với bút bi, một chất liệu tưởng chừng không bao giờ phù hợp việc gì khác ngoài ký họa, như Mylne, Samuel Silva, Chamal... và nhất là Casas như nêu trên hay cụ thể trước mắt tôi là Luận thật đáng kinh ngạc.
Sự kinh ngạc đó của tôi chỉ được giải đáp phần nào khi Luận mở balo lấy ra một túi đựng đầy những chiếc bút bi và vẽ tiếp bức tranh đang dở dang. Ở bức tranh về ngôi nhà số 36 Châu Long thuộc quận Ba Đình, Hà Nội, mặc dù Luận mới vẽ một người bán hoa dạo đi ngang qua nhưng tôi đã có thể hình dung ra ngôi nhà cổ nằm trên con phố cổ này.
Được xây dựng từ năm 1900 và trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngôi nhà trên phố Châu Long vẫn giữ được gần như thiết kế ngày đầu. Đó giống như một gam màu trầm trong rực rỡ, nhộn nhịp của phố thị hiện đại, như "Ta còn em hàng cây khô/Buồn như dãy phố/Người bỏ xứ/Quay nhìn lần cuối/Những ngôi nhà cửa đóng/Im lìm"... trong "Em ơi, Hà Nội - Phố" của Phan Vũ.
Nhưng nếu "Em ơi, Hà Nội - Phố" là một trường khúc, dài 454 câu, phân bổ cho 23 đoạn, mỗi đoạn như một gam màu, một mảnh ghép tạo thành Hà Nội của tháng 12/1972 thì với Luận, ngôi nhà số 36 Châu Long là một phần ký ức anh có được trong tám năm ngắn ngủi gắn bó với thành phố, kể từ ngày thi đỗ vào Trường đại học Xây dựng (năm 2016). Khi đó, anh học ngành hệ thống kỹ thuật công trình của Khoa Môi trường, hoàn toàn chẳng liên quan gì đến vẽ hay hội họa.
Tôi đã hỏi, tại sao anh không vẽ con người, phong cảnh ở Tiền Hải, một huyện ven biển rất đẹp thuộc tỉnh Thái Bình? Luận cho biết, anh thích ngắm sự bình yên của quê hương hơn là vẽ, còn sự cổ kính, trầm mặc của Hà Nội mang lại cho anh rất nhiều cảm xúc, khiến anh không thể không cầm bút.
Khi đã yêu một Hà Nội như thế, anh sẽ chỉ vẽ về Hà Nội, về cuộc sống thường ngày của Hà Nội. Đó là sự chiêm nghiệm của chàng trai 26 tuổi gần như ngày nào cũng lang thang trên các con phố, khi anh quyết định rằng, hội họa là ngã rẽ cuộc đời và Hà Nội và những chiếc bút bi giờ trở thành một phần cuộc sống của mình.
Thực ra, hội họa đã đến với Luận từ rất sớm, từ lúc anh còn học trung học cơ sở. Những nhân vật trong bộ truyện Bảy viên ngọc rồng đã theo anh qua năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, trước khi anh chuyển sang vẽ chân dung và phong cảnh một cách nghiêm túc bằng thể loại mầu chì.
Dù có năng khiếu như thế, Luận lại không chọn Trường đại học Kiến trúc hay một trường chuyên về mỹ thuật để được đào tạo bài bản, thay vì hoàn toàn tự học và mày mò trên con đường hội họa riêng. Tính ra, anh mới có sáu năm theo đuổi lối vẽ bằng bút bi.
Tuy nhiên, như Luận thừa nhận, anh đã đạt tới 70-80% sự chân thực về chi tiết, mầu sắc, chiều sâu ở những bức tranh mà nhiều khách hàng cho rằng giống như bức ảnh có độ phân giải cực cao, đến mức họ không nhìn thấy cả nét bút bi. Đây là điều rất đáng để nói bởi như Luận chia sẻ, vẽ bút bi thật sự khó.
Chẳng hạn như ngòi bút bi rất nhỏ, vẽ rất mất thời gian; bút không có nhiều mầu và phối mầu rất khó; rồi mực hay dây ở đầu ngòi. Những bất lợi đó giải thích tại sao bức tranh một quán café Hà Nội mà Luận từng vẽ đã lấy đi của anh hơn 230 giờ đồng hồ. Đổi lại, bức tranh rất ấn tượng, rất thực này sau đó đã được một nhà sưu tập ở Đà Nẵng mua lại.
Đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp của chàng trai người Thái Bình vì anh hoàn thành bức tranh trong thời gian cách ly tại quê nhà trong giai đoạn đại dịch Covid-19, bên cạnh một câu chuyện cảm động khác. Đấy là năm 2023, sau khi vẽ xong hai bức tranh cho một khách hàng ở Cần Thơ, Luận đã được chính người khách này tặng gói mổ mắt cận thị miễn phí.
Giống như nghệ sĩ người Bồ Đào Nha Samuel Silva cũng tự học vẽ bút bi và nổi tiếng thế giới vì anh vốn là một luật sư, các tác phẩm của Luận giờ được người xem và các nhà sưu tập đón nhận. Dường như họ rất có năng khiếu để có thể vẽ bằng "những ngón tay bắt được của trời", bằng căn tính bẩm sinh mà không cần quá nhiều kinh nghiệm chuyên môn từ trường lớp.
Điều quan trọng là thu nhập từ bán tranh giúp Luận có thể ổn định cuộc sống ở Hà Nội, giúp anh hỗ trợ được cậu em trai đang học ngành công nghệ thông tin. Còn mơ ước xa hơn? Anh hy vọng sẽ có một triển lãm cá nhân về Hà Nội mà anh đã xem như là quê hương thứ hai của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết